Thị trường hàng hóa
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2022, người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng 268.000 tỷ đồng. So với cuối tháng 4, tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư tại các tổ chức tín dụng trong tháng 5 tăng tới gần 40.000 tỷ đồng. Còn so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư tại các tổ chức tín dụng cao gần gấp đôi.
Trong tháng 5-2022, tiền gửi của dân cư tăng hơn 36.909 tỉ đồng so với tháng trước. Nếu so với cuối năm ngoái, tiền gửi của dân cư đã tăng tới 268.500 tỉ đồng. Đáng chú ý, tốc độ tăng dòng tiền nhàn rỗi từ khách hàng cá nhân cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng của tiền gửi từ tổ chức kinh tế.
So với đầu năm, người dân đã gửi ròng vào hệ thống 268.000 tỷ đồng - gấp đôi mức tăng 134.000 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái, thậm chí cao hơn nhiều mức tăng 159.000 tỷ đồng của cả năm 2021.
Các chuyên gia lý giải, nguyên nhân chính khiến dòng tiền gửi vào ngân hàng tăng mạnh là do lãi suất huy động tăng sau 2 năm giữ ở mức thấp. Vài tháng gần đây, lãi suất tiết kiệm liên tục tăng. Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động từ 0,3-0,6 điểm %/năm, thậm chí một số ngân hàng còn lên tới 2 điểm %. Mức lãi suất huy động rất hấp dẫn, trên 7%/năm, đã kích thích nhu cầu gửi tiết kiệm nhiều hơn.
Bên cạnh đó, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ,... đang có biến động, nhiều rủi ro nên gửi tiết kiệm ngân hàng trở thành kênh hấp dẫn với nhiều người.
Hiện nay, nhiều ngân hàng huy động tiền gửi ở mức lãi suất trên 7%/năm khi gửi tiết kiệm online hoặc gửi dài hạn, kích thích nhu cầu gửi tiết kiệm nhiều hơn. Khảo sát tại hơn 30 ngân hàng thương mại ngày 25/7 cho thấy, lãi suất huy động tại các ngân hàng hiện dao động từ 3-7,7%.
Ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay là Ngân hàng Xây Dựng (CBBank), với mức lãi suất tới 7,7% kỳ hạn 13-36 tháng (trả lãi cuối kỳ). Ngoài ra còn có KienlongBank (7,3%/năm); SCB (7,3%/năm); BaoVietBank (7,1%/năm); DongA Bank (7%/năm); NCB (7%/năm); VRB (7%/năm),...
Theo Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất huy động tăng nhanh hơn dự kiến và lãi suất cho vay bắt đầu tăng vào cuối quý II/2022. Lãi suất huy động được dự báo có thể tăng thêm 0,5-0,7 điểm % sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Cả năm, lãi suất huy động được kỳ vọng tăng 1 - 1,5 điểm %.
Trước đó, kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh trong quý III/2022 của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy các tổ chức tín dụng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 4,9% trong quý III và tăng 11,5% trong cả năm nay. Mặt bằng lãi suất cho vay - huy động được các tổ chức tín dụng dự báo có thể tăng nhẹ trong quý III/2022 và cả năm 2022 trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng và xu hướng tăng lãi suất phổ biến trên thế giới.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm