Thị trường hàng hóa
Vốn FDI chảy vào bất động sản tăng 89%
Theo dữ liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 11 tháng năm nay, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, gồm vốn đăng ký cấp mới, đăng ký điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, về đăng ký mới có 3.035 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 1,6% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt gần 17,39 tỷ USD, tăng 0,7%. Bên cạnh đó còn có 1.350 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 12,9%; tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 9,93 tỷ USD, tăng 40,7%.
Tuy nhiên, về góp vốn, mua cổ phần có 3.029 giao dịch, giảm 7% so với cùng kỳ. Tổng giá trị vốn góp đạt gần 4,06 tỷ USD, giảm mạnh 39,7%.
Vốn FDI đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 20,2 tỷ USD, chiếm gần 64,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm hơn 8% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục duy trì ở vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 5,63 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 89,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,37 tỷ USD và hơn 1,12 tỷ USD. Còn lại là các ngành khác.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 35 năm qua, đã có 66,4 tỷ USD vốn ngoại rót vào khoảng 1.100 dự án bất động sản Việt Nam. Trong đó có 48 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản Việt. Đứng đầu bảng trong danh sách nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào thị trường bất động sản Việt là Singapore, tiếp theo là Hàn Quốc, quần đảo Virgin thuộc Anh và Nhật Bản.
Riêng trong năm 2023, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai trong thu hút FDI với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ.
110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng
Thống kê cho thấy, đã có 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng năm nay. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 9,14 tỷ USD, chiếm hơn 29,1% tổng vốn đầu tư, tăng 53,7% so với cùng kỳ 2023. Hàn Quốc đứng thứ hai với hơn 3,89 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư, giảm 9% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản,…
Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 28,3%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 22,4%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 25%).
Nguồn vốn FDI chảy vào 55 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 11 tháng qua. Trong đó, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5,04 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Tiếp theo là Quảng Ninh với hơn 2,29 tỷ USD, chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 26,3% so với cùng kỳ.
TP.HCM đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,28 tỷ USD, chiếm gần 7,3% tổng vốn đầu tư cả nước. Các vị trí kế tiếp lần lượt là Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương,… Nếu xét về số dự án, TPHCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 42,3%), số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 14,7%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 70,9%).
Sau 11 tháng, vốn thực hiện của các dự án FDI ước đạt khoảng 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính lũy kế đến ngày 30/11, cả nước có 41.720 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 496,7 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt gần 318,9 tỷ USD, bằng 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Bà Trang Bùi - tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam - cho biết Việt Nam đã và đang lọt vào tầm ngắm của lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo bà Trang Bùi, khi bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, một quốc gia mới nổi như Việt Nam đã trở thành thị trường tiềm năng thu hút đầu tư. Đặc biệt, tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn ở một thị trường chính là yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Các chuyên gia của Công ty Savills nhận xét, Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng FDI lần thứ tư. Làn sóng FDI lần này có thể tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo.
Sự phát triển của các lĩnh vực này tác động trực tiếp đến bất động sản công nghiệp nhờ việc gia tăng nhu cầu về nhà xưởng đáp ứng tốt yêu cầu cơ sở hạ tầng, dịch vụ.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm