Thị trường hàng hóa
Hiện nay, nhiều nhà vườn trồng sầu riêng, bơ, măng cụt, dâu xanh, nhãn xuồng… đã bắt đầu cho thu hoạch. Ngoài ra, nhiều loại trái cây đặc sản của các tỉnh phía Bắc như: vải thiều, mận Bắc, đào… cũng đã xuất hiện nhiều tại các sạp trái cây ở chợ, siêu thị.
Tại nhiều chợ, siêu thị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, thị trường trái cây hè bắt đầu sôi động. Mặc dù mới bước vào đầu mua, song lượng trái cây từ các địa phương “đổ” về khá dồi dào, giá nhiều loại trái cây duy trì ở mức thấp. Đơn cử, giá vải Tây Nguyên chỉ 25.000 - 35.000 đồng/kg, giá măng cụt 35.000 - 60.000 đồng/kg, chôm chôm đầu mùa 25.000 - 30.000 đồng/kg, ổi nữ hoàng dưới 7.000 - 8.000 đồng/kg… thấp hơn mọi năm 20% - 30%. Trước đó, xoài cát Hòa Lộc, cam sành miền Tây rơi vào cảnh giá rẻ chưa từng có.
Mặc dù nguồn cung dồi dào, giá thấp, tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế còn gặp khó khăn, người dân, nhất là công nhân, người lao động ngày càng thắt chặt chi tiêu khi vật giá vẫn còn ở mức cao. Vì vậy, sức mua các loại trái cây suy giảm mạnh. Theo nhiều tiểu thương, năm nay sức mua các mặt hàng trái cây hè đã giảm khoảng 30 – 40% so với năm trước.
Bà Đặng Thị Thúy Nga - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (tỉnh Đồng Nai) cho biết, chưa có năm nào trái bơ lại rớt giá như năm nay. Thị trường tiêu thụ trái bơ đang đứng vì sức tiêu thụ trong nước rất chậm, xuất khẩu gặp khó. Đầu ra cho trái cây hè năm nay khó dự đoán và rủi ro hơn mọi năm do sức tiêu thụ của thị trường chậm hơn vì ảnh hưởng của kinh tế khó khăn.
Lý giải nguyên nhân nhiều loại trái cây giảm giá, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, hiện tại rất nhiều mặt hàng đồng loạt vào vụ thu hoạch như: măng cụt, xoài, mít, chanh leo, chôm chôm, quả vải, thơm… nên các nhà máy chế biến thu mua không hết, khiến giá các mặt hàng ở mức thấp.
Thông tin từ Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng trái cây cả nước trong quý II ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, chuối khoảng 460.000 tấn, sầu riêng 300.000 tấn, vải thiều 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn. Ngoài ra, hàng trăm nghìn tấn dứa, xoài, cam, thanh long cũng vào vụ thu hoạch.
Các con số trên sẽ tăng dần trong quý III và quý IV. Sản lượng dự kiến năm nay cả nước là 12,4 triệu tấn trái cây các loại. Như vậy, nguồn cung trái cây trong nước ngày càng tăng đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế.
Để mở rộng thị trường, hỗ trợ tiêu thụ nông, đặc sản địa phương, nhiều siêu thị trên địa TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều gian hàng, khu vực trưng bày, quảng bá các loại trái cây, đặc sản vùng miền. Đồng thời, triển khai nhiều đợt ưu đãi, giảm giá, khuyến mãi dành cho các sản vật địa phương vào dịp hè này.
Mới đây, Saigon Co.op đã phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức tuần lễ xoài Đồng Tháp. Ngoài Saigon Co.op, một số hệ thống siêu thị lớn như MM Mega Market, Central Retail, Central Retail, Bách Hóa Xanh cũng “bắt tay” với Đồng Tháp giới thiệu “Tuần hàng xoài Đồng Tháp”.
Đại diện siêu thị Co.opmart cho biết, vào cao điểm mùa trái cây hè, siêu thị sẽ bố trí các gian hàng trái cây đặc sản, áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi dành cho các loại trái cây nhằm thu hút, kích cầu tiêu dùng, cũng như phát triển các kênh quảng bá, giới thiệu các loại nông sản địa phương.
Để giới thiệu đến du khách nét đặc sắc và sự phong phú của những loại trái cây trên cả nước, tôn vinh những thành quả lao động của nhà nông, góp phần gìn giữ bộ môn nghệ thuật tạo hình bằng trái cây độc đáo, từ ngày 1/6 đến 31/8, Công ty CP Du lịch văn hóa Suối Tiên.
Ông Huỳnh Đồng Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch văn hóa Suối Tiên cho hay, hiện nhiều loại trái cây chủ lực tại các tỉnh phía Nam đã tham gia vào lễ hội Trái cây Nam bộ năm nay, như: chôm chôm xoài, bơ, mít ruột đỏ, măng cụt, sầu riêng Ri6, mãng cầu (na), bưởi. Trong kỳ lễ hội này, các loại trái cây sẽ được giới thiệu để người tiêu dùng biết và thưởng thức nhiều hơn để tăng tiêu thụ cho các nhà vườn.
Không chỉ đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, mà mở rộng thị trường xuất khẩu ra các thị trường khác cũng đang được ngành Công Thương đặc biệt chú trọng. Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc biệt các sản phẩm nông sản có tính mùa vụ luôn là một trong những trọng tâm ưu tiên của Bộ Công Thương.
Với nguyên tắc hỗ trợ sớm nhất có thể, đón đầu các mùa vụ, Bộ Công Thương tập trung cao việc triển khai hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua đa dạng các kênh phân phối truyền thống và hiện đại ở trong nước cũng như nước ngoài.
“Bộ Công Thương thực hiện với các hình thức phong phú, hướng đến nhiều đối tượng như: Hội chợ, triển lãm, phiên chợ, tuần hàng, lễ hội quảng bá lồng ghép với các sự kiện kinh tế - văn hóa - du lịch lớn, các chương trình giao dịch thương mại, kết nối giao thương, truyền thông thương hiệu, phát triển thương mại đa kênh trong đó thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, tăng cường hoạt động thương mại điện tử với nhiều sàn giao dịch lớn trong và ngoài nước, đẩy mạnh kết nối xuất khẩu thông qua các nhà phân phối nước ngoài tại Việt Nam…” ông Vũ Bá Phú nêu rõ.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện các giải pháp nhằm phát huy tối đa vai trò của hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài - một kênh trao đổi thông tin trực tiếp, thống nhất và nhanh nhất với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương cùng các cơ quan bộ, ngành trung ương khác, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên cả nước trong việc nghiên cứu, đánh giá thị trường, các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại, hỗ trợ xuất khẩu nhanh chóng, hiệu quả những mặt hàng nông sản khi vào vụ thu hoạch, qua đó hướng đến mục tiêu xuất khẩu rau, quả của Việt Nam năm 2023 cán mốc 4 tỷ USD.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm