Thị trường hàng hóa
4 thuận lợi lớn
Hội thảo về xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Quốc “Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm rau củ quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc”, đánh giá về tiềm năng xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho rằng, có 4 yếu tố nổi bật.
Đầu tiên, với quy mô dân số lớn, nhu cầu tiêu dùng của người Trung Quốc vô cùng đa dạng. Người tiêu dùng nước này ngày càng quan tâm đến các sản phẩm rau quả sạch, an toàn, có giá thành hợp lý.
Thứ hai, nhiều loại trái cây của Việt Nam như sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài, chanh dây, vải..., được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngon và chất lượng tốt.
Thứ ba, các cửa khẩu biên giới Việt Nam nằm rất gần các chợ đầu mối bên Trung Quốc do đó rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí logistics. Các cảng biển ở Trung Quốc cũng rất gần các cảng Việt Nam, điều này giúp tăng tính cạnh tranh cho hàng rau quả của doanh nghiệp Việt.
Thứ tư, các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc như RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực), ACFTA (Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc) đã giúp giảm thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho rau quả Việt Nam xuất khẩu.
Những thách thức chính
Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả của Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức khác.
Hiện nay, đối thủ cho hàng rau quả của Việt Nam tại Trung Quốc rất nhiều như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Australia..., hay các thị trường ở vị trí xa hơn như Chile, Peru, Ecuador...
Trong khi đó, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của Trung Quốc ngày càng nghiêm ngặt. Hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam phải có mã số vùng trồng do Tổng cục Hải Quan Trung Quốc (GACC) cấp. Các cơ sở chế biến, đóng gói sản phẩm xuất khẩu cũng phải được GACC cấp mã số.
Việc tìm kiếm khách hàng và xây dựng kênh phân phối tại Trung Quốc cũng là một thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp. “Đa số hàng rau quả Việt Nam được bán cho các thương lái nhỏ lẻ của Trung Quốc, tập trung nhiều ở biên giới phía Bắc Việt Nam. Doanh nghiệp vẫn chưa thậm nhập sâu vào thị trường nội địa, các tỉnh khu vực phía Bắc Trung Quốc,” ông Đặng Phúc Nguyên nhận định.
Trong bối cảnh hiện nay, Tổng Thư ký Vinafruit Đặng Phúc Nguyên cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt thời vụ sản xuất hàng rau quả nội địa của Trung Quốc để có biện pháp điều chỉnh sản xuất, tránh bị cạnh tranh; đầu tư nhiều hơn vào công nghệ sản xuất, chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; đa dạng hóa sản phẩm...
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cần tạo niềm tin đối với người tiêu dùng Trung Quốc về chất lượng sản phẩm thông qua thực hành sản xuất tốt như VietGAP, Global GAP; thiết kế bao bì đẹp, nhãn mác rõ ràng và dễ dàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ; kết hợp với doanh nghiệp Trung Quốc để cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng và phân phối các sản phẩm rau quả Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc...
Sẽ có những kỷ lục mới
Với diện tích trồng cây ăn quả khoảng 1,2 triệu ha và tổng sản lượng trên 14 triệu tấn/năm, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những nước xuất khẩu trái cây quan trọng cho thế giới, trong đó có thị trường Trung Quốc.
Hiện nay Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc 11 loại trái cây đặc sản như sầu riêng, mít, thanh long, chuối, xoài, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, măng cụt, chanh dây....
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc thu về 4,09 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 66% tổng xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Với kết quả này, chỉ trong vòng 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đã đạt mức cao nhất và vượt giá trị xuất khẩu các năm trong giai đoạn 2013 - 2023.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả trong tháng 10/2024 đạt 760 triệu USD. Luỹ kế 10 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm mặt hàng này đạt 6,4 tỷ USD, vượt mức kỷ lục 5,7 tỷ USD của cả năm 2023…
Từ đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu cho xuất khẩu rau quả năm 2024 là 6-6,5 tỷ USD. Với kết quả xuất khẩu trong 10 tháng tăng hơn 31,5% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu rau quả đã lần đầu tiên cán mốc kỳ vọng 6 tỷ USD và các mốc kỷ lục mới sẽ liên tục được thiết lập trong 2 tháng cuối năm.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm