Thị trường hàng hóa
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong tháng 5/2024 đạt 167 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra của nước ta đạt 747 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra phile đông lạnh chiếm tới 80,7%, đạt 603 triệu USD, giảm nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường tiêu thụ, Trung Quốc & Hồng Kông tiếp tục là thị trường có sản lượng tiêu thụ cá tra Việt Nam nhiều nhất với giá trị xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm đạt gần 203 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong 5 tháng đầu năm nay đạt 132 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo VASEP, 5 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024 lần lượt là Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Thuỷ sản Vĩnh Hoàn, mã cổ phiếu VHC), Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Xuất nhập khẩu Vạn Đức Tiền Giang, Công ty Cổ phần Nam Việt (Thuỷ sản Nam Việt, mã cổ phiếu ANV), Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông, và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển IDI (mã cổ phiếu IDI).
Đáng chú ý, Thuỷ sản Vĩnh Hoàn vừa công bố các kết quả kinh doanh ấn tượng với đà phục hồi nhanh hơn đáng kể so với mặt bằng chung toàn ngành. Cụ thể, doanh thu trong tháng 5/2024 của công ty này đạt đạt 1.131 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ sản phẩm cá tra (598 tỷ đồng).
Trong đó, doanh thu của Thuỷ sản Vĩnh Hoàn tại hầu hết các thị trường trọng điểm đều tăng trưởng tích cực. Trong đó, doanh thu tại châu Âu tăng 21%, tại Trung Quốc tăng 12%, và tại các thị trường khác tăng 26%. Đồng thời, doanh thu tại thị trường nội địa tăng tới 47% so với cùng kỳ năm 2023.
Xem thêm: "Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC): Doanh thu tại Trung Quốc, châu Âu tăng mạnh" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, hoạt động xuất khẩu cá tra sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm nay khi nhu cầu tiêu thụ dự kiến phục hồi trở lại. Trong bối cảnh lạm phát diễn ra tại nhiều thị trường lớn, truyền thống của cá tra Việt Nam đang được kiểm soát tốt, tạo động lực cho hoạt động tiêu dùng, lĩnh vực nhà hàng phục hồi.
Đồng thời, triển vọng tăng trưởng của loạt nền kinh tế lớn đã được cải thiện. Theo báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 4/2024, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng năm nay của Mỹ lên mức 2,7% và của EU lên mức 0,8%.
Hoạt động xuất khẩu cá tra sang các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu cũng sẽ thuận lợi hơn khi thuỷ hải sản nhập khẩu từ Nga tiếp tục bị siết chặt, giúp cá tra Việt Nam trở thành lựa chọn thay thế. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cá tra tại Trung Quốc có nhiều cơ hội cải thiện khi các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của nước này “thẩm thấu”.
Ngoài việc nhu cầu phục hồi, động lực tăng giá cá tra xuất khẩu còn đến từ việc thiếu hụt nguồn cung cá nguyên liệu.
Giá cá nguyên liệu thấp trong thời gian vừa qua đã khiến các hộ nuôi cá trì hoãn thả giống trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, thời gian nuôi thường mất 6 - 8 tháng để cá đạt đủ trọng lượng thu hoạch (1,2 - 1,5 kg).
Ngoài ra, giai đoạn cuối năm là cao điểm tiêu thụ các loại thuỷ hải sản với loạt dịp lễ hội tại các nước phương Tây.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm