Thị trường hàng hóa
Công ty Cổ phần Nam Việt (Thủy sản Nam Việt, mã cổ phiếu ANV - sàn HoSE) vừa cho biết, sẽ trình cổ đông xem xét và thông qua kế hoạch tăng vốn tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến tổ chức vào ngày 29/6 tới đây.
Trước đó, phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu này đã được cổ đông Thủy sản Nam Việt thông qua tại Đại hội hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Tuy nhiên, do công ty chưa thực hiện nên tiếp tục được trình lại tại Đại hội năm nay.
Cụ thể, Thủy sản Nam Việt dự kiến phát hành 133,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 01 cổ phiếu mới.
Nếu đợt phát hành diễn ra thành công, vốn điều lệ của Thủy sản Nam Việt sẽ đạt mức 2.666 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với mức vốn hiện tại. Qua đó, giúp Thủy sản Nam Việt trở thành doanh nghiệp cá tra có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường chứng khoán.
Trong quý 1/2024, Thủy sản Nam Việt ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.016 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giảm sản lượng và giá bán.
Kết quả, Thủy sản Nam Việt thu về 17 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 1/2024, giảm 81% so với cùng kỳ năm trước.
Năm nay, Thủy sản Nam Việt đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 13% so với mức thực hiện của năm 2023. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế dự kiến cao gấp 8 lần so, đạt 306 tỷ đồng. Như vậy, trong quý 1/2024, Thủy sản Nam Việt đã hoàn thành 20% kế hoạch doanh thu và 5,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.
Theo đánh giá mới đây của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tình hình xuất khẩu cá tra sẽ tốt hơn từ quý 3/2024 kéo theo xu hướng giá xuất khẩu sẽ được điều chỉnh tăng ít nhất khoảng 10% so với giá hiện tại.
Xem thêm: "Thuỷ sản Nam Việt (ANV): Đã khép kín chuỗi giá trị cá tra, tham vọng lãi năm nay tăng gấp 8 lần" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Đồng quan điểm như trên, hãng chứng khoán Vietcombank Securities (VCBS) dự báo, giá xuất khẩu cá tra sẽ tăng trở lại trong năm nay do nguồn cung cá minh thái (mặt hàng thay thế cho cá tra ở phương Tây) bị giảm. Đồng thời, chi phí đầu vào tăng làm cho nguồn cung cá tra sụt giảm sẽ là động lực giúp cải thiện giá xuất khẩu cá tra.
Đối với Thủy sản Nam Việt, VCBS nhận định, biên lợi nhuận năm 2024 của Công ty có thể khởi sắc nhờ động lực tăng trưởng từ thị trường Mỹ khi tiếp tục được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0% (theo POR19) và giá bán tại Mỹ có thể hồi phục trở lại. Đồng thời, Thủy sản Nam Việt cũng đang đẩy mạnh tệp khách hàng tại Trung Quốc, nhằm gia tăng doanh số tại thị trường này.
Theo báo cáo thường niên năm 2023 của Thủy sản Nam Việt, Công ty hiện đã có khả năng tự chủ 100% thức ăn cho việc nuôi trồng và cá nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Qua đó, giúp Thủy sản Nam Việt giảm bớt chi phí nguyên liệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Thủy sản Nam Việt đạt 5.062 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm, phần lớn là hàng tồn kho với trị giá 2.309 tỷ đồng, tương đương so với đầu năm.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm