Thị trường hàng hóa
Theo số liệu mới đây của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy Sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước trong 6 tháng đầu năm nay đạt 922 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của riêng tháng 6 vừa qua là 174 triệu USD, tăng tới hơn 22% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù thị trường chung đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực nhưng theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Agromonitor, tổng doanh thu xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm nay của Công ty Cổ phần Nam Việt (Thủy sản Nam Việt, mã cổ phiếu ANV - sàn HoSE) mới chỉ đạt 40 triệu USD, tương đương khoảng 1.000 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm 2023 thì mức doanh số này đã giảm 17%, nguyên nhân chủ yếu do mức giá bán cá tra xuất khẩu theo USD đã giảm 14% và sản lượng tiêu thụ cũng giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, thị trường xuất khẩu chính của Thủy sản Nam Việt là Trung Quốc vẫn chưa hồi phục rõ rệt khi sức mua còn yếu, mặc dù giá cá rô phi - mặt hàng thay thế cá tra ở thị trường này đang ở mức cao.
Tuy nhiên, giai đoạn xấu nhất của Thủy sản Nam Việt được nhận định đã qua khi giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp này đang tăng trưởng dần theo tháng. Trong tháng 5 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Thủy sản Nam Việt đã ghi nhận mức tăng trưởng dương lần đầu, đạt +1%, với sản lượng tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, ban lãnh đạo Thủy sản Nam Việt cũng cho biết lợi nhuận nửa đầu 2024 ước đạt 50 - 60 tỷ đồng. Trong quý 1/2024, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt khoảng 17 tỷ đồng, như vậy lợi nhuận quý 2/2024 ước tăng khoảng 2 - 2,5 lần so với quý 1/2024.
Bên cạnh đó, triển vọng đơn hàng nửa cuối năm dự kiến sẽ ở mức tích cực hơn nửa đầu năm nay khi thị trường Trung Quốc dần khởi sắc, theo ban lãnh đạo Thủy sản Nam Việt.
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, Thủy sản Nam Việt đã mở rộng thành công thêm tệp khách hàng ở Bắc Kinh và Quảng Châu (Trung Quốc), bên cạnh khu vực truyền thống là Thượng Hải.
Đồng thời, sau quá trình nghiên cứu thị trường, Thủy sản Nam Việt đã mở rộng thêm dòng sản phẩm cá tra xẻ bướm tẩm gia vị, đáp ứng đúng nhu cầu cao tại Trung Quốc.
Ngoài ra, với lợi thế tự chủ 100% cá nguyên liệu, công ty đã giải quyết được tình trạng thiếu hụt cá tra cỡ lớn (1,5 - 2 kg) mà toàn ngành cá tra Việt Nam gặp phải trong 9 tháng đầu năm nay; đây cũng là cỡ cá được ưa chuộng ở Trung Quốc.
Xem thêm: "Giữ vị thế top 2 thế giới, Thủy sản Nam Việt (ANV) kỳ vọng lãi năm nay tăng gấp 8 lần" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Đối với thị trường Mỹ, ban lãnh đạo Thủy sản Nam Việt chia sẻ, tiến độ phát triển thị trường tương đối khả quan nhờ công ty hợp tác thành công với các nhà phân phối thủy sản lớn, và kết nối lại với tập khách hàng cũ nhờ lịch sử xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn trước năm 2014.
Tập khách hàng của Thủy sản Nam Việt chủ yếu là khách hàng sẵn có của 2 doanh nghiệp xuất khẩu dẫn đầu sang Mỹ là Biển Đông và Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (mã cổ phiếu VHC) nhưng có nhu cầu đa dạng hóa 1 phần nhà cung cấp với mức giá cạnh tranh hơn.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Rồng Việt, mức giá bán cá tra trung bình của Thủy sản Nam Việt sẽ cải thiện dần nhờ sự hồi phục tại thị trường Trung Quốc khi nguồn cung và hàng tồn kho giảm và hưởng lợi từ đà tăng giá dần ở thị trường Mỹ. Tuy nhiên, giá bán sẽ khó tăng mạnh và dự kiến sẽ duy trì ở mức 1,9 USD/kg – tương đương với giá bán trung bình nửa cuối năm 2023, chủ yếu do giá bán tại Trung Quốc khó phục hồi nhanh khi sức mua dự kiến chưa tăng cao.
Nhưng do Thủy sản Nam Việt là doanh nghiệp có tỷ lệ tự chủ 100% nên biên lợi nhuận gộp dự kiến sẽ cải thiện mạnh lên mức trung bình 14% trong cả năm nay nhờ chi phí nuôi giảm dần thông qua giá bã đậu nành giảm. Trên thị trường quốc tế, giá đậu nành tháng 6/2024 đã giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.
Dựa trên tình hình thị trường hiện tại, Chứng khoán Rồng Việt dự báo sản lượng tiêu thụ nửa cuối năm nay của Thủy sản Nam Việt sẽ đạt 36.000 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm