Thị trường hàng hóa
Hoa Kỳ lần lượt “thế chân” Trung Quốc và Nga
Không chỉ bản đồ năng lượng mà bản đồ kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch nhanh chóng, nổi cộm, thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ và châu Âu đã bùng nổ khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine và mối quan hệ căng thẳng giữa phương Tây và Trung Quốc kéo các đồng minh xuyên Đại Tây Dương xích lại gần nhau hơn.
Trong năm nay, thay vì nhập từ Trung Quốc, Mỹ đã tăng nhập khẩu nhiều hàng hóa từ châu Âu - một sự thay đổi lớn so với những năm 2010 khi Trung Quốc nổi lên là đối tác thương mại thống trị của Hoa Kỳ. Từ đồng hồ Thụy Sĩ đến máy móc Đức và các mặt hàng xa xỉ của Ý, những mặt hàng trên đang tràn qua Đại Tây Dương. Điều này sẽ giúp ích cho các nhà sản xuất châu Âu vốn đang phải vật lộn với giá năng lượng tăng chóng mặt. Ngoài ra, sẽ “tô điểm” thêm nhiều container từ các cảng Bờ Đông vượt lên trên các cảng Bờ Tây sau nhiều năm Hoa Kỳ xoay trục sang châu Á.
Chỉ trong tháng 9, xuất khẩu của Đức sang Hoa Kỳ đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng euro suy yếu đang mang lại cho các công ty châu Âu thêm lợi thế trên thị trường rộng lớn của Hoa Kỳ. Họ cũng đang đổ các nguồn lực vào Bắc Mỹ, bao gồm cả Mexico bởi khả năng tiếp cận năng lượng giá rẻ.
Trong khi đó, Hoa Kỳ đang dần thay thế Nga để trở thành một trong những nhà cung cấp năng lượng và quân sự lớn nhất của châu Âu. Cụ thể, Đức dự định mua 35 máy bay chiến đấu phản lực F-35 của Lockheed Martin Corp. Theo dữ liệu của EU, xuất khẩu dịch vụ của Mỹ sang Liên minh châu Âu đã tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021 lên 305 tỷ euro (~315 tỷ USD).
Việc phát triển mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương là một phần của quá trình tái tổ chức nền kinh tế toàn cầu dọc theo các tuyến Đông - Tây. Việc Nga cắt nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu và lo ngại quá phụ thuộc vào Trung Quốc đã thay đổi cách thức giao dịch của các công ty. Ở cả hai bờ Đại Tây Dương, Chính phủ đã khuyến khích các công ty sản xuất các sản phẩm quan trọng tại địa phương thay vì ở châu Á. Một số công ty Đức đã bắt đầu xuất khẩu sang Mỹ từ các nhà máy ở Đức thay vì Trung Quốc, một phần để tránh thuế quan.
Đồng thời, các công ty vừa và nhỏ của Đức đã đa dạng hóa các khoản đầu tư ra khỏi Trung Quốc, nơi họ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng trong nước, chi phí lao động gia tăng và các quy định khắt khe về phòng chống Covid-19.
Dành chọn “trái tim” doanh nghiệp châu Âu
Ilham Kadri, giám đốc điều hành của Solvay SA, một công ty hóa chất có trụ sở tại Bỉ với doanh thu hàng năm khoảng 11 tỷ euro, cho biết: “Trong bối cảnh địa chính trị leo thang, chúng tôi yêu thích Hoa Kỳ hơn bất kỳ quốc gia nào”. Gần đây, họ đã công bố khoản đầu tư 850 triệu đô la để xây dựng các cơ sở sản xuất pin ở miền Nam Hoa Kỳ, bao gồm cả ở Georgia, nhằm hưởng lợi từ doanh số bán ô tô điện đang bùng nổ.
Theo một báo cáo tháng 10 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Hoa Kỳ đã nhận được khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài trị giá 74 tỷ đô la trong ba tháng tính đến tháng 6, cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào và so với 46 tỷ đô la của Trung Quốc.
Bất chấp hành động mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong năm nay, nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn có động lực tăng trưởng tích cực. Trong năm nay, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước này đã trị giá 4 nghìn tỷ USD trong năm 2022, nhiều hơn khoảng 1/3 so với năm 2019, theo dữ liệu từ Cục của Phân tích kinh tế.
Trong khi đó, các công ty cơ khí của Đức (lĩnh vực sử dụng khoảng một triệu lao động) đã tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ gần 20% (hơn 18 tỷ euro) so với cùng kỳ năm ngoái tính đến tháng 9. Ngược lại, doanh số bán hàng của lĩnh vực này sang Trung Quốc đã giảm 3% trong giai đoạn này xuống còn 14 tỷ euro.
Theo Josh Brazil của Project44, một công ty phân tích chuỗi cung ứng, khi thương mại xuyên Đại Tây Dương bùng nổ, khối lượng container tại các cảng Bờ Đông như New York đã tăng vượt trội so với các cảng Bờ Tây như Los Angeles trong những tháng gần đây. Cảng New York và New Jersey được biết đến là cảng container bận rộn nhất của quốc gia trong tháng thứ hai liên tiếp, xử lý lượng hàng hóa nhiều hơn 35% so với tháng 9 năm 2019.
Khách du lịch Mỹ cũng đang đổ vào châu Âu, tận dụng lợi thế của đồng đô la mạnh. Tổ chức Du lịch Thế giới nhận định vào cuối tháng 9, châu Âu đã đón lượng du khách quốc tế tính trong bảy tháng đầu năm gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2021, nhờ khách du lịch từ Hoa Kỳ.
Tháng trước, tập đoàn hàng xa xỉ Kering (Pháp), gồm thương hiệu Gucci và Yves Saint Laurent tuyên bố doanh số bán hàng của họ ở Tây Âu đã tăng 74% trong ba tháng tính đến tháng 9, khi khách du lịch Mỹ đổ xô đến các thành phố của khu vực.
Một phần do hậu quả của cuộc xung đột Ukraine - Nga, các Chính phủ châu Âu đang tăng cường khả năng quân sự và phòng thủ mạng, tìm cách xây dựng thêm các nhà máy bán dẫn trong nước và thúc đẩy sản xuất tại địa phương trong các ngành như trí tuệ nhân tạo.
Vào năm ngoái, đầu tư trực tiếp nước ngoài của châu Âu vào Hoa Kỳ đã tăng 13,5% lên khoảng 3,2 nghìn tỷ USD so với một năm trước đó. FDI của Hoa Kỳ vào châu Âu đã tăng khoảng 10% trong năm ngoái lên khoảng 4 nghìn tỷ USD. Những khoản tiền đó làm lu mờ dòng đầu tư giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Nguyên nhân dẫn đến sự phục hồi trong đầu tư của EU vào Hoa Kỳ là do những lo ngại của người châu Âu về triển vọng nền kinh tế của họ. Tập đoàn hóa chất Đức Lanxess AG đang tập trung đầu tư trong tương lai vào Mỹ và không còn kế hoạch đầu tư bất kỳ khoản tiền nào vào việc mở rộng các nhà máy ở Đức, Giám đốc điều hành Matthias Zachert cho biết trong tháng này, cảnh báo về khả năng cạnh tranh đang suy giảm của Đức, phần lớn là do giá năng lượng cao.
Trong khi đó, công ty năng lượng khổng lồ của Tây Ban Nha Iberdrola SA đang nhắm đến Hoa Kỳ với gần một nửa trong số 47 tỷ euro đầu tư vào mạng lưới điện và năng lượng tái tạo trong ba năm tới.
Tập đoàn phân phối điện ở New York, Connecticut, Massachusetts và Maine đang giúp phát triển một trang trại gió ngoài khơi Massachusetts có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng của hơn 400.000 ngôi nhà.
Trong khi các Chính phủ phản đối về một số vấn đề liên quan. Các công ty châu Âu, từ các nhà sản xuất tấm pin mặt trời đến nhà sản xuất pin đều đang gấp rút tận dụng các khoản trợ cấp mới của Hoa Kỳ. Tuần trước, tập đoàn năng lượng khổng lồ Enel SpA của Ý công bố sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất pin mặt trời ở Mỹ, trong một dự án có thể tiêu tốn tới một tỷ USD.
Sau khi đưa ra chính sách nghiêm ngặt nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc mà không có sự tham gia của các đồng minh châu Âu và châu Á vào tháng 10, chính quyền Tổng thống Biden đã đàm phán với Chính phủ Hà Lan và Nhật Bản để giải quyết tác động của chính sách này đối với các nhà sản xuất thiết bị sản xuất chất bán dẫn của họ.
Hoa Kỳ và EU cũng phải đối mặt với một nhiệm vụ to lớn là điều phối hàng chục tỷ đô la trợ cấp thông qua các chương trình tương ứng của họ để hồi sinh ngành sản xuất chất bán dẫn trong nước. Ngoài ra, song phương cũng nên hợp tác để thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu cho các công nghệ mới nổi, điều này sẽ mang lại lợi ích cho các công ty ở cả hai khu vực.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm