Thị trường hàng hóa
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng – Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương chia sẻ như vậy với phóng viên Báo Công Thương.
Thưa ông, theo đánh giá của các chuyên gia, EVFTA là một hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tận dụng tốt hơn nhiều so với các hiệp định thương mại khác khi có hiệu lực. Vậy ông nhìn nhận như thế nào về việc thực thi hiệp định này?
Trong giai đoạn đầu thực thi Hiệp định EVFTA, mặc dù bối cảnh kinh tế quốc tế không hoàn toàn thuận lợi, song tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng trên 14%. Đây là tỷ lệ khá trong bối cảnh khó khăn, đặc biệt do năm đầu tiên thực hiện hiệp định biên độ ưu đãi, mức độ thuế quan được cắt giảm mà chúng ta được hưởng, khi ra thị trường EU còn chưa lớn. Đáng chú ý, đây cũng là một trong những hiệp định có tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao nhất so với những hiệp định khác trong năm đầu tiên thực thi.
Sang năm thứ hai thực thi, mặc dù chưa có số liệu đầy đủ, nhưng cũng ghi nhận tín hiệu tích cực, đó là tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam thông qua giấy chứng nhận xuất xứ mà doanh nghiệp được cấp để tận hưởng ưu đãi khi hàng hóa đi vào EU. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ này đã có tốc độ tăng rất mạnh, lên đến trên 32 %. Với tỷ lệ này thì khoảng 1/4 hàng xuất khẩu của chúng ta hiện nay sang EU đã được nhận ưu đãi. Đây cũng là một trong những tỷ lệ rất là khá, cao hơn khoảng hơn 4 lần so với tỷ lệ tận dụng ưu đãi mà chúng ta đạt được trong Hiệp định CPTPP cũng là một hiệp định tiêu chuẩn cao.
Thưa ông, những nhóm ngành hàng nào đã tận dụng tốt được các cơ hội từ Hiệp định EVFTA dưới cả góc độ xuất khẩu, nhập khẩu?
Khi chúng ta đàm phán EVFTA nông sản là nhóm mặt hàng được ưu tiên tập trung đàm phán để phía EU mở cửa thị trường. Trong quá trình thực hiện, điều đáng mừng, đây là nhóm hàng thể hiện việc tận dụng ưu đãi nhanh nhất trong hiệp định này. Con số tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu tương đối toàn diện ở nhiều nhóm hàng, trong đó có những mặt hàng đã có bước tăng trưởng vượt bậc, ví dụ như với cà phê tăng trên 62 %, hạt tiêu có tốc độ tăng trưởng trên 81 % trong năm đầu tiên thực hiện hiệp định; hải sản trên 22 % và gạo đã có những bước tăng trưởng tương đối khá, trên 40%.
Quan trọng hơn nữa là khi chúng ta tăng xuất khẩu sang EU không phải tăng đơn thuần về mặt số lượng mà đã có chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu nông sản sang một số những nhóm mà có giá trị gia tăng cao hơn so với trước đây. Ví dụ như đối với mặt hàng gạo xuất khẩu sang thị trường EU, giá trung bình nhìn chung là cao khoảng gấp đôi so với giá trung bình khi xuất khẩu sang các thị trường khác. Ngoài ra, đối với những mặt hàng chế biến, chế tạo cũng có bước tăng trưởng tích cực, đặc biệt là đối với những mặt hàng mà trước đây chưa tiếp cận được thị trường EU; nóm mặt hàng máy móc, thiết bị có mức tăng trưởng trên 20 % và có những sản phẩm khác, sản phẩm liên quan đến sắt, thép cũng đã tận dụng rất tốt cơ hội trong giai đoạn đầu thực thi EVFTA.
Bên cạnh thuận lợi, nhìn lại sau 2 năm thực thi Hiệp định, đâu là những khó khăn mà doanh nghiệp cần phải đặc biệt quan tâm, theo ông?
Trước hết là xúc tiến thị trường. Lẽ ra, chúng ta phải đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại về thâm nhập thị trường, tuy nhiên do những tác động của Covid-19 thì chúng ta chưa làm được nhiều. đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, về môi trường… Thứ hai thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh mẽ sang tiêu dùng hàng hóa xanh, sạch và đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, về môi trường… Do đó, chúng ta cần phải đón đầu xu hướng này. Nếu như thành công thì giá trị mà chúng ta thu được trong quá trình xuất khẩu sang EU thậm chí còn lớn hơn. Thứ ba, chúng ta cũng rất cần lưu ý, EU là thị trường rất khó tính với rất nhiều yêu cầu về kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật, thậm chí là ngoài những tiêu chuẩn do nhà nước đặt ra, họ còn có những tiêu chuẩn mà doanh nghiệp của họ tự đặt ra. Với những điều kiện mang tính phức tạp đó đòi hỏi doanh nghiệp chúng ta phải có những chuyển đổi mô hình sản xuất để đáp ứng tốt nhất thị hiếu ở thị trường EU, từ đó mới có thể khai thác một cách có hiệu quả, lâu dài và bền vững thị trường này.
Bước sang năm thứ 3, dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, theo ông, chúng ta cần làm gì để có thể thúc đẩy việc thực thi Hiệp định EVFTA đạt hiệu quả cao nhất?
Với một hiệp định thương mại tự do cần một thời gian để doanh nghiệp chúng ta làm quen mới có thể khai thác được thị trường, tuy nhiên, bối cảnh quốc tế đang nảy sinh những vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên nhiên vật liệu, làm giảm tổng cầu của thị trường EU. Nhưng trong khó khăn đó thì chúng ta lại càng cần thúc đẩy quá trình thực thi hiệp định tốt hơn nữa. Việc quan trọng nhất là hiệp định đã được mở ra thì chúng ta cần phải cung cấp thông tin đầy đủ cho cộng đồng doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể khai thác được tốt nhất những quy định đã có trong hiệp định.
Khi hiệp định này được ký kết, Thủ tướng Chính phủ đã ví “EVFTA mở ra một đường cao tốc để kết nối hai nền kinh tế Việt Nam và EU”, nhưng rõ ràng đã là đường cao tốc thì phương tiện vận hành trên đó phải khác với đường thường. Theo đó, nhiệm vụ của Chính phủ là phải hỗ trợ thế nào để doanh nghiệp có thể xây dựng được những phương tiện đi lại nó phù hợp với đường cao tốc đó, chứ không phải là những phương tiện mà trước đây chúng ta sử dụng như đường làng, ngõ xóm. Vì thế, tới đây rất cần có sự tham gia của tất cả các cơ quan nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau là kể cả địa phương trong việc giúp doanh nghiệp có đủ sức mạnh để ra đường cao tốc.
Xin cảm ơn ông!
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm