Thị trường hàng hóa
Trong thông báo mới đây của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cơ quan này cho biết, các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã được xác nhận đăng ký website/ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và đang hoạt động mà chưa có giấy phép kinh doanh cần cập nhật hồ sơ, bổ sung Giấy phép kinh doanh trước ngày 1/1/2023.
Với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký website/ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử mới cần cung cấp các loại giấy tờ, gồm: Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu quyết định thành lập (đối với tổ chức); bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Ngoài ra, các tổ chức này còn phải cung cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp đối với thương nhân; giấy phép kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Những yêu cầu trên không phải thủ tục mới phát sinh mà hoàn toàn tuân thủ các quy định nêu trong Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử. Theo quy định, thương mại điện tử được xác định là ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, các thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam sử dụng tên miền Việt Nam; website có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt hoặc có 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam/năm.
Các điều kiện tiếp cận thị trường bao gồm nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế hoặc đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần góp vốn.
Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài chi phối từ 1 doanh nghiệp trở lên thuộc nhóm 5 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam (theo danh sách do Bộ Công Thương công bố), phải có ý kiến thẩm định về an ninh quốc gia của Bộ Công an.
Thực tế hiện nay, các sàn thương mại điện tử ngày càng trở nên quan trọng trên thị trường bán lẻ. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là cần có sự nghiêm túc, minh bạch và quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, đặc biệt là quyền lợi của người tiêu dùng.
Do đó, theo các chuyên gia, yêu cầu trên còn được xem là động thái cần thiết góp phần làm lành mạnh thị trường thương mại điện tử, vốn "trăm hoa đua nở" vài năm gần đây, nhất là khi hoạt động này có sự tham gia của các nhà kinh doanh xuyên biên giới.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm