Thị trường hàng hóa
Ngày 5/4, Tổng cục Thuế đã có thông báo về tình hình thu nộp thuế của các nhà cung cấp nước ngoài tại Việt Nam tháng 3 và quý 1/2023. Theo đó, đã có 49 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Số lượng này tăng thêm 3 nhà cung cấp so với tháng 2/2023.
Tổng số, số thu lũy kế từ khi vận hành cổng (ngày 21/3/2022) đến nay đạt trên 3.700 tỉ đồng; số thu trong các tháng đầu năm 2023 là 1.852 tỉ đồng).
Theo thống kê, hiện tại Việt Nam có 6 nhà cung cấp nước ngoài lớn là Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple. 6 doanh nghiệp này chiếm tới 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam; và đều đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam.
Đối với Cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử trong nước, Tổng cục Thuế đánh giá, hệ thống đến nay vận hành ổn định, tiếp nhận dữ liệu kê khai từ các sàn thương mại điện tử gửi cơ quan thuế.
Tính đến cuối quý 1, đã có 285 tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin qua Cổng thông tin, xác định 53.585 cá nhân và 16.003 tổ chức đăng ký bán hàng trên sàn. Với hơn 15,91 triệu lượt giao dịch, tổng giá trị giao dịch trên sàn ước tính khoảng 5.500 tỷ đồng.
Trong các sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin có một số doanh nghiệp chiếm thị phần lớn như Shopee, Lazada, Sendo... với tần suất theo quý. Theo quy định, các doanh nghiệp - nền tảng này phải cung cấp thông tin cho ngành thuế bao gồm thông tin chung (tên, mã số thuế/đăng ký kinh doanh/căn cước công dân), thông tin liên hệ (email, số điện thoại), địa chỉ kinh doanh, địa chỉ thường trú, nhóm ngành hàng dịch vụ kinh doanh, tài khoản ngân hàng.
Như vậy, dựa vào cơ sở thông tin do sàn cung cấp, cơ quan thuế sẽ khai thác thông tin về hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân và thực hiện rà soát đưa vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp thực tế hoặc điều chỉnh doanh thu nếu chưa phù hợp.
Ngoài ra, tổng số lượng hóa đơn điện tử đã tiếp nhận và xử lý đạt hơn 3,3 tỉ hóa đơn; trong đó 860 triệu hóa đơn điện tử có mã và 2,5 tỷ hóa đơn điện tử không mã. Tính đến ngày 24/3, đã có trên 10.000 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công, vượt kế hoạch triển khai giai đoạn 1, với số lượng hóa đơn có mã khởi tạo từ máy tính tiền là 1.796.510 hóa đơn.
Toàn ngành đã triển khai tổ chức lựa chọn hóa đơn may mắn. Đến nay, 100% Cục Thuế đã hoàn thành việc tổ chức lựa chọn hóa đơn may mắn quý II - III/2022 và 62/63 Cục Thuế đã hoàn thành việc tổ chức lựa chọn hóa đơn may mắn quý IV/2022, với tổng số giải thưởng là 4.339 giải được trao đến tay người tiêu dùng.
Về triển khai dịch vụ đăng ký, nộp thuế điện tử qua ứng dụng Etax Mobile, đã có 287.212 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile với 224.042 giao dịch với tổng số tiền trên 790 tỷ đồng.
Tổng cục Thuế cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện Bộ chỉ số tiêu chí rủi ro, chống gian lận về hóa đơn điện tử, nghiên cứu giải pháp áp dụng công cụ phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác quản lý thuế, quản lý hóa đơn, kiểm soát rủi ro, phòng chống gian lận về hóa đơn, gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng... nâng cao hiệu quả quản lý thuế.
Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Cổng thông tin điện tử kết nối với các bộ, ngành liên quan, văn phòng công chứng để chia sẻ dữ liệu nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước…
Theo quy định, các cá nhân kinh doanh không phân biệt kinh doanh theo hình thức truyền thống hay kinh doanh thương mại điện tử đều thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân nếu có phát sinh doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên. |
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm