Thị trường hàng hóa
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08 sửa đổi, bổ sung một số quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu ra thị trường. Đây là một trong những hành động mạnh mẽ từ cơ quan trung ương để vực dậy thị trường bất động sản đang trầm lắng.
Hầu hết, giới chuyên gia đánh giá cao Nghị định 08, khi Chính phủ đưa ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khó khăn trong việc trả nợ trái phiếu, nhằm cơ cấu lại khoản nợ của chính mình.
Tuy nhiên, Nghị định này có một số quy định chưa liên thông với các văn bản pháp luật khác, đơn cử như Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết: Thông tư 16 không cho phép các tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu doanh nghiệp, với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.
Ông Châu phân tích: Trong khi đó, tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP vẫn cho phép điều này. Như vậy, Thông tư 16 không chỉ tạo ra nút thắt tại Nghị định 08, mà còn xung khắc với Nghị định 65 trước đó.
“Các ngân hàng thương mại có vai trò rất quan trọng trong việc tham gia xử lý trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn, nhưng lại không được phép mua lại trái phiếu doanh nghiệp do vướng quy định tại Thông tư 16, điều này là không hợp lý”, ông Châu nói.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư 16. Trong đó, cho phép các tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.
Bên cạnh đó, ông Châu đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất được vay tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn.
Ông Châu cũng mong muốn Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 của Chính phủ để xem xét chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, phân loại dự án bất động sản để có các biện pháp xử lý phù hợp, như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ… theo đúng quy định của pháp luật.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm