Thị trường hàng hóa
Trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường BĐS Việt Nam đang chứng kiến nguồn cầu lớn và động lực tăng trưởng mạnh mẽ đến từ tốc độ đô thị hóa nhanh với tỉ lệ dân số tăng. Tuy nhiên, thị trường BĐS đang đối mặt với không ít khó khăn về nguồn vốn đầu tư, quỹ đất hạn chế, dẫn đến tình trạng lệch pha cung cầu.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn, một trong những khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp địa ốc thời điểm hiện tại là nguồn vốn. Dòng vốn chảy vào lĩnh vực BĐS từ đầu năm 2022 tới nay rất hạn chế, khi cả tín dụng ngân hàng lẫn hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đều bị kiểm soát gắt gao. Không chỉ 2 kênh dẫn vốn chính này, mà cả kênh huy động từ người mua nhà và các quỹ đầu tư cũng gặp khó khăn.
Trong khi đó, bà Võ Thị Khánh Trang - Phó Giám đốc, Bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam - cho rằng, những vấn đề lớn của thị trường BĐS như ở TPHCM hiện nay là quỹ đất hạn chế, nguồn cung khá thấp, giá bán cao và quy trình cấp phép dự án còn đang bị siết chặt.
Liên quan đến vấn đề kiểm soát tín dụng vào BĐS, bà Trang đánh giá đây là tín hiệu tích cực, bởi điều này cho thấy thị trường đang có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn. Theo đó, chỉ những chủ đầu tư thật sự có nguồn lực về tài chính và phát triển bền vững thì họ sẽ tiếp tục tồn tại trên thị trường.
Còn những chủ đầu tư phụ thuộc vào vốn vay và không có quy trình phát triển bền vững thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Về khía cạnh người mua nhà, việc siết tín dụng có thể làm giảm nhóm người mua đầu cơ, lướt sóng, từ đó giúp người mua nhà có nhu cầu thực đến gần với cơ hội sở hữu nhà hơn.
Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) mới đây vừa có báo cáo về tình trạng nhà cao cấp đang phủ sóng toàn bộ thị trường bất động sản thành phố. Ở chiều ngược lại, nhà bình dân, giá rẻ, phục vụ nhu cầu cho người có thu nhập thấp gần như “tuyệt chủng” trong rổ hàng.
HoREA dẫn nguồn báo cáo đánh giá thị trường bất động sản nửa đầu năm 2022 của Sở Xây dựng Tp.HCM, rằng phân khúc cao cấp có đến 7.577 căn đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai, chiếm hơn 80% và tăng hơn 111% so với cùng kỳ năm ngoái. Phân khúc trung cấp ghi nhận 1.879 căn, chiếm hết phần còn lại. Tuyệt nhiên nhà ở bình dân mất hút thị trường.
Mặc dù thị trường đang biến động, song nhiều chuyên gia nhận định BĐS vẫn là kênh “trú ẩn” an toàn cho dòng tiền. Tuy nhiên, thay vì đầu tư lướt sóng, nhà đầu tư đang chuyển hướng sang các sản phẩm hướng đến giá trị thực, có tính an toàn cao, lợi nhuận đảm bảo. Đặc biệt, những sản phẩm có khả năng khai thác được để dòng tiền không bị “chết” một chỗ trở thành ưu tiên hàng đầu.
Trong số các sản phẩm BĐS đáp ứng được yêu cầu này, căn thương mại dịch vụ tại khối đế các tòa chung cư cao cấp, nơi sở hữu một lượng cư dân/khách hàng đông đảo và kết nối hạ tầng nội - ngoại khu đồng bộ được nhà đầu tư ưa chuộng.
Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho biết, từ đầu năm đến nay, các căn thương mại khối đế chung cư cao tầng ghi nhận tỉ lệ cho thuê, mua đi bán lại đạt từ 80-100%. Điều này xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm, giải trí... bật tăng mạnh sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Tuy nhiên, đầu tư trong giai đoạn này, nhiều chuyên gia khuyên các nhà đầu tư cần chú ý đến nhiều yếu tố quan trọng, như vấn đề pháp lý, phương thức thanh toán an toàn… Mặt khác, theo chuyên gia DKRA Vietnam, khách hàng và nhà đầu tư cần xác định chiến lược đầu tư trung và dài hạn, tránh sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn để sẵn sàng tâm thế cho sự biến động về giá lẫn thanh khoản của thị trường.
Giai đoạn này có thể mở ra cho khách hàng có tiềm lực tài chính nhiều cơ hội sở hữu dự án có vị trí đẹp, với giá bán hợp lý... Do đó, để đảm bảo giá trị sinh lời bền vững, khách hàng nên thận trọng lựa chọn dự án của những chủ đầu tư uy tín, được phát triển bởi các thương hiệu quốc tế, tránh tâm lý đầu tư theo đám đông.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, trong nửa đầu năm 2022, thị trường bất động sản có những biến động mạnh, trạng thái thăng trầm liên tục thay đổi trên cả nước. Tình trạng chung của thị trường hiện nay là nguồn cung sản phẩm khan hiếm, nhất là phân khúc nhà ở bình dân.
Ông Đính dự báo, những tháng cuối năm 2022, nguồn hàng khan hiếm, nhu cầu lại rất lớn, khi cung vượt cầu sẽ dẫn đến việc giá bất động sản bị đẩy lên cao. “Đây là câu chuyện ở nhiều địa phương trên cả nước, nhất là Hà Nội và TP.HCM - nơi không có dự án nhà ở bình dân mới nào thời gian gần đây”, ông Đính nói và đưa ra dự báo, các cơn sốt đất nhằm đẩy giá tăng cao vẫn có thể tiếp diễn.
Đặc biệt là đất nền vùng ven thành phố lớn khi các dự án hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Bộ phận đầu tư Savills Việt Nam nhận định, từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ không có gì thay đổi, nguồn cung thiếu, giá bán duy trì mức cao, tính thanh khoản chậm.
Tuy nhiên, theo ông Khương, việc nguồn cung hạn chế sẽ tạo điều kiện cho các đô thị xung quanh Hà Nội và TP.HCM phát triển. Bởi đây là những khu vực có quỹ đất còn nhiều, giá mềm dẻo hơn, từ đó cải thiện tính thanh khoản.
Có thể thấy, chênh lệch cung cầu trên càng tác động đến tâm lý người mua và nhà đầu tư trong bối cảnh ngân hàng đang siết tín dụng bất động sản. Các chuyên gia đánh giá, thời gian tới khiến các nhà đầu tư có tâm lý tìm về dự án đúng giá trị ngày càng phổ biến. Biến chuyển trên dễ hiểu khi khó tiếp cận tín dụng, nhà đầu tư cá nhân ngại xuống tiền hơn, nhất là những sản phẩm có giá trị lớn.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm