Thị trường hàng hóa
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán VNDirect – VND, có 5 nhóm ngành đáng quan tâm đầu tư giai đoạn nửa cuối năm 2022. Cụ thể:
Thứ nhất là ngành dịch vụ, với việc Việt Nam mở cửa trở lại ngành du lịch từ giữa tháng 3, nhu cầu liên quan đến dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch và giải trí đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Công ty chứng khoán này đánh giá cao các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng không, lưu trú - ăn uống, lữ hành và giải trí (ACV, AST...).
Thứ hai là nhóm doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi trong môi trường lãi suất tăng như ngân hàng, bảo hiểm và các doanh nghiệp giữ nhiều tiền mặt (FPT, GAS, MBB, VPB, TCB, HDB...).
Thứ ba là các doanh nghiệp sản xuất sữa và thực phẩm như VNM, MCH, lợi nhuận có khả năng tăng trưởng cao khi giá nguyên liệu gồm sữa bột nguyên kem, ngô, đường dự kiến sẽ hạ nhiệt.
Thứ tư là nhóm doanh nghiệp hưởng lợi từ hoạt động đầu tư công dự kiến tăng tốc nhờ những nỗ lực gần đây của Chính phủ và sự đảo chiều của giá vật liệu xây dựng (HPG, PLC, C4G...).
Thứ năm là các doanh nghiệp được hưởng lợi từ sự phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng. Ngành năng lượng Việt Nam đang trải qua một quá trình chuyển đổi lớn do các ưu tiên của Chính phủ nhằm duy trì sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế vĩ mô và tính bền vững của môi trường. Với quy mô và tiến độ nhanh hơn dự kiến của quá trình chuyển đổi năng lượng này, các doanh nghiệp điện và phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng có triển vọng tăng trưởng vượt trội trong vài năm tới (POW, GAS, PVS…).
Hiện tại, theo ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB, hai nhóm cổ phiếu đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm là điện và bán lẻ. Trong đó, không ít doanh nghiệp bán lẻ gần đây ghi nhận kết quả hoạt động khả quan sau khi gặp nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19 (FRT, MWG, PNG…)
Ông Tuấn cho rằng rủi ro thị trường chỉ là ngắn hạn, đặc biệt trong bối cảnh vĩ mô ổn định như Việt Nam thì xu hướng đi lên của thị trường là rất rõ ràng. Do đó, những lo sợ trong giai đoạn nền kinh tế suy thoái là thời điểm rất tốt để đầu tư dài hạn. Dẫn chứng là những người đầu tư vào cuối giai đoạn suy thoái như năm 2009, năm 2012 hay năm 2020 đều hưởng quả ngọt rất lớn. Tại thời điểm này, chúng ta cũng đối diện một cuộc suy thoái mới cũng đồng thời tạo ra những cơ hội mới.
"Thị trường chứng khoán trên thế giới nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng cũng đã trải qua mức giảm trên 20%. Như vậy cũng đã phản ánh rủi ro của một suy thoái nhẹ. Trừ trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng như năm 2007, nếu không thì đây có thể đã là vùng đáy của thị trường chứng khoán", chuyên gia MBS đánh giá.
Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, Công ty chứng khoán VNDirect – VND, cổ phiếu của những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mà trong bất kỳ chu kỳ kinh tế lên hay xuống đều ít biến động, sử dụng tỷ lệ đòn bẩy thấp vì chủ động được dòng tiền và có lịch sử chia cổ tức đều đặn qua các năm, hoặc cổ phiếu có định giá thấp được coi là nhóm phòng thủ.
Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư Quỹ đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam chia sẻ, giai đoạn này, bà quan tâm đến các doanh nghiệp hưởng lợi từ xuất khẩu tăng trưởng tốt như thủy sản, hóa chất; bên cạnh đó là nhóm logistics, cảng biển và bất động sản khu công nghiệp.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC cho rằng, hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) nếu được nới trong quý 3 này sẽ có tác động tích cực, đem lại triển vọng cho nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Thực tế, room tín dụng tại không ít ngân hàng đã cạn nên hoạt động cho vay bị hạn chế. Thị trường đang kỳ vọng dòng chảy vốn sẽ sớm được khơi thông, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh và tạo hiệu ứng tích cực đến tâm lý nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, chuyên gia cao cấp Chiến lược đầu tư SSI Research cho hay, dòng tiền trên thị trường đang có dấu hiệu tìm đến nhóm cổ phiếu tài chính, gồm ngân hàng và chứng khoán, nhất là khi các nhóm này có giá giảm sâu trong đợt điều chỉnh vừa qua. Kỳ vọng đối với cổ phiếu ngân hàng chủ yếu là room tín dụng có khả năng sắp được nới, còn cổ phiếu chứng khoán là triển vọng giao dịch T+2, giúp cải thiện thanh khoản toàn thị trường. Bên cạnh đó, cổ phiếu các doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu cũng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, bởi tình hình hoạt động khả quan, nhất là thủy sản, dệt may.
Báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán BIDV – BSC dự báo, nhu cầu nhập khẩu cá tra Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh cho đến cuối năm 2022, nhất là thị trường Mỹ, bởi diện tích nuôi trồng cá da trơn nội địa suy giảm, ảnh hưởng đến nguồn cung. Còn thị trường Trung Quốc sẽ dần tiến tới việc mở cửa trở lại, với mức tiêu thụ cá tra tương đương Mỹ, đây sẽ là nhân tố quyết định đà tăng trưởng của ngành cá tra trong nửa cuối năm nay.
“Tổng cầu tiêu dùng đã tăng trưởng trở lại, hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp phục hồi, xuất khẩu tiếp tục tăng, tiến tới thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 6,5%”, TS. Vũ Đình Ánh nói và nhận xét, bức tranh kinh tế nửa đầu năm của Việt Nam rất lạc quan, trong đó xuất siêu hơn 700 triệu USD, tăng trưởng xuất khẩu cao, tạo nên sự kỳ vọng cho nhà đầu tư ở nhóm ngành xuất khẩu.
Ngành Bất động sản được cho là ngành đầu tư hấp dẫn bất chấp dịch Covid - 19 với tỷ trọng FDI ổn định qua các năm. Bên cạnh đó, lãi suất vay mua nhà thấp giúp gia tăng nhu cầu mua nhà. Chính Phỉ ban hành nhiều văn bản pháp lý hỗ trợ sự phục hồi của thị trường BĐS. Chủ đầu tư BĐS đang thích nghi với nhiều giải pháp tốt hơn trong hoạt động bán hàng và việc phát triển cơ sở hạ tầng là động lực cho BĐS trong năm 2022-2015. Tỷ lệ lấp đầy cao do nguồn cung mới hạn chế, giá thuê đất trung bình tiếp tục tăng trong năm 2021.
Ngành Thép trong năm nay chuyên gia đánh giá không khả quan, bởi dù như cầu thép nội địa được đẩy mạnh từ sự phục hồi kinh tế trong nước cũng như các chính sách đầu tư công, song nhu cầu thị trường xuất khẩu sẽ suy giảm. Đặc biệt, một số nguyên vật liệu đầu vào như quặng sát được dự báo có xu hướng giảm trong dài hạn. Hưởng lợi tăng trưởng xuất khẩu đến từ việc hạn chế sản xuất từ Trung Quốc các nước phát triển khác với chính sách giảm khí thải trong dài hạn.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng HPG được kỳ vọng dài hạn khi mở rộng dự án Dung Quất giai đoạn 2. Nhà đầu tư nên biết thị trường diễn biến xấu sẽ có lợi cho HPG, chỉ có điều chúng ta đầu tư với giá nào.
Ngành Dầu khí vẫn có nhiều triển vọng tốt, bởi giá dầu neo ở cao tạo ra thuận lợi lớn đối với ngành dầu khí trong nước. Tuy sản lượng khai thác không tăng, kết quả kinh doanh, các doanh nghiệp dầu khí có sự hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ. Triển vọng năm 2022 vẫn sáng sủa với các doanh nghiệp ngành dầu khí khi giá dầu ở mức cao, dịch Covid-19 được kiểm soát, tiêu thụ dầu khí tăng và biên lợi nhuận duy trì ở mức cao. Tuy triển vọng dài hạn tích cực, song để có mức giá vốn tốt nhà đầu tư nên tìm những nhịp điều chỉnh để tham gia.
Ngành Điện và Sản xuất điện được đánh giá khả quan trong năm 2022 khi nền kinh tế hồi phục và kế hoạch tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%, dự kiến tăng 8-10% trong năm tới. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ đặc biệt là ngành thuỷ điện do điều kiện thuỷ văn tốt.
Ngành Ngân hàng được cho là có nhiều tiềm năng, dù trong ngắn hạn vẫn còn nhiều yếu tố tiêu cực. Ông Tuấn cho rằng lợi nhuận ngành ngân hàng quý 2 rất tốt, song quý 3 một số ngân hàng kịch room tín dụng. Với áp lực lạm phát, NHNN sẽ không mở room ít nhất đến hết quý 3 và đây cũng sẽ là điểm chững của lợi nhuận nhiều ngân hàng. Tuy vậy, ông Tuấn cho rằng đây cũng là cơ hội lớn để đầu tư đón đầu cho KQKD quý 4 dự báo tích cực của ngành.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm