Thị trường hàng hóa
Trong bối cảnh đó, vượt qua khó khăn, thách thức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước đã có những tín hiệu tích cực.
Từ đầu năm 2021 đến nay, thế giới chứng kiến đợt tăng giá thứ ba của phân bón, trong đó, mức cao nhất ghi nhận là vào thời điểm đầu năm 2022. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phân bón tăng giá như: Giá khí đốt tự nhiên tăng đột ngột; Nga tạm dừng xuất khẩu hàng trăm mặt hàng, trong đó có phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước. Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt đối với Belarus đã ảnh hưởng đến lượng cung kali (Belarus đóng góp khoảng 20% tổng lượng kali toàn cầu); chí phí vận chuyển, nhất là vận chuyển bằng container tăng chóng mặt…
Giá phân bón tăng dẫn đến người nông dân phải thay đổi tập quán canh tác, cũng như tính toán để sử dụng phân bón một cách hiệu quả nhất. Ví dụ, đậu nành cần ít phân bón hơn ngô, do đó, người nông dân sẽ tăng cường trồng nhiều đậu nành hơn và trồng ít ngô hơn. Giá phân bón tăng cũng tác động đến những người sản xuất nhỏ. Nông dân trồng việt quất ở Chile cho biết, họ chỉ bón phân cho những cây khỏe mạnh, do không có đủ phân bón cho toàn bộ diện tích.
Ở trong nước, giá phân bón các loại ở mức cao. Giá phân bón tăng đã đẩy chi phí sản xuất nông nghiệp lên. Trước đây, chi phí cho phân bón chiếm khoảng 20 -25% vật tư nông nghiệp, nhưng nay đã lên tới 40-50%. Trong khi đó, giá các mặt hàng nông sản khác dù tăng nhưng khó có thể bù đắp được chi phí phân bón nói riêng và vật tư nông nghiệp nói chung.
Lo ngại hơn, giá phân bón tăng khiến việc gian lận trong sản xuất, kinh doanh phân bón diễn biến phức tạp hơn. Phân bón giả, phân bón rởm, phân bón kém chất lượng vẫn tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng lớn đến hàng triệu người nông dân và nhiều doanh nghiệp sản xuất chân chính.
Năm 2022, cả nước có hơn 800 cơ sở sản xuất phân bón với tổng công suất 29,3 triệu tấn/năm. Sau khi rà soát, loại bỏ các cơ sở không đạt yêu cầu hoặc do một số doanh nghiệp chủ động ngừng sản xuất rút khỏi thị trường, đến nay còn 792 cơ sở sản xuất, giảm 112 so với năm 2021. Cụ thể, cơ sở sản xuất phân bón vô cơ là 261, hữu cơ là 161, vô cơ và hữu cơ là 308. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp nước ta khoảng 11 triệu tấn/năm. Các nhà máy sản xuất trong nước cung ứng khoảng 6 - 7.5 triệu tấn, gồm các loại phân bón chủ lực như: Phân lân (supe lân, lân nung chảy), phân Urea, phân NPK; trong khi phân SA và Kali phụ thuộc vào nhập khẩu.
Kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2022 của một số công ty phân bón rất khả quan, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế năm 2022 hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó 4 công ty phân bón, gồm: Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Hải Phòng, DAP Lào Cai đóng góp 2.645 tỷ đồng. Ngoài ra, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2022, Đạm Cà Mau có lợi nhuận sau thuế là 3.272 tỷ đồng, Đạm Phú Mỹ lợi nhuận trước thuế 5.300 tỷ đồng…
Đáng chú ý, năm 2022 có sự phát triển khá mạnh mẽ về sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ. Công suất sản xuất phân bón hữu cơ đạt 4,7 triệu tấn, tăng 4,4 lần so với năm 2017. Lượng phân bón hữu cơ sản xuất đạt 2,91 triệu tấn; nhập khẩu 0,46 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, năm 2022, do tình hình phân bón trên thế giới, xuất khẩu phân bón của Việt Nam vượt xa về lượng, có thể đạt tới mức 1,7 triệu tấn; về giá chắc chắn vượt mốc 1 tỷ USD.
Do cuộc xung đột Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA) đưa ra 3 kịch bản về thị trường phân bón, gồm: Kịch bản lạc quan, kịch bản bi quan và kịch bản trung bình.
Kịch bản bi quan nhất, theo IFA, nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ giảm vào năm 2023 và đạt 194,6 triệu tấn vào năm 2026, nghĩa là nhiều hơn 2 triệu tấn so với năm 2019, nhưng thấp hơn 9 triệu tấn so với mức năm 2020. Theo kịch bản trung bình, nhu cầu phân bón thế giới ở mức 202,1 triệu tấn vào năm 2026. Với kịch bản lạc quan, nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ đạt 211,1 triệu tấn vào năm 2026.
Theo nhiều chuyên gia, các vấn đề mà thị trường phân đạm toàn cầu nói riêng và phân bón nói chung phải đối mặt vào năm 2022 sẽ tiếp tục xảy ra vào năm 2023, có rất ít khả năng giá phân bón sẽ giảm xuống thấp hơn vào năm 2023. Các vấn đề chính bao gồm cuộc chiến ở Ukraine, giá khí đốt tự nhiên tăng, lo ngại về thời tiết và tiền tệ...
Nhiều dự báo cho rằng, năm 2023 giá phân bón vẫn tiếp tục neo ở mức cao, ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của nông dân và ngành nông nghiệp. Doanh nghiệp sản xuất phân bón cần đầu tư tập trung, áp dụng công nghệ tiên tiến, cắt giảm chi phí sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hợp lý, đảm bảo yêu cầu cung cấp đủ phân bón cho bà con nông dân. Thêm vào đó, cần phát triển cân đối giữa phân bón hữu cơ và phân bón vô cơ vì đây là xu thế phát triển tất yếu, đáp ứng nhu cầu của người nông dân; hướng đến các mặt hàng chất lượng cao, an toàn sức khỏe, bảo vệ môi trường và tránh được giá phân bón hóa học đang ở mức cao. Các cơ quan quản lý nhà nước cần kiên quyết dẹp, tiến tới xóa bỏ nạn phân bón giả, phân bón rởm lưu hành trên thị trường.
Thời gian tới, khi nông nghiệp hữu cơ, nôngnghiệp tuần hoàn,nông nghiệp xanh được chú trọng thì việc sử dụng phân bón chất lượng cao, phân bón hữu cơ, vi sinh, không gây ô nhiễm môi trường ngày càng được coi trọng hơn.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm