Thị trường hàng hóa
Sau 7 năm tích cóp, chị Phạm Diệp Anh, một “dân công sở” cũng có trong tay 1 tỷ đồng để đi mua nhà. Do làm việc tại khu vực quận Hoàn Kiếm và có con học ở khu vực này nên chị mong muốn tìm một căn hộ chung cư gần trung tâm. Tuy nhiên, khi bắt đầu tìm kiếm căn hộ để mua, chị mới tá hỏa khi biết giá của các căn hộ tại các quận xung quanh như Hoàng Mai, Đống Đa đều rơi vào khoảng trên 2 tỷ đồng một căn loại nhỏ (khoảng 40-45m2). Căn lớn hơn một chút có giá từ 2-4 tỷ đồng.
Với số vốn chỉ có 1 tỷ đồng trong tay, chị Diệp Anh đành từ bỏ ý định mua các căn hộ gần trung tâm. Sau khi tính toán chị quyết định mua một căn hộ chung cư mini ở khu vực quận Đống Đa, cách nơi làm việc của chị hơn 2km. Chia sẻ về việc này, chị Diệp Anh trải lòng: “Mặc dù biết pháp lý của chung cư mini vô cùng lỏng lẻo nhưng tôi vẫn quyết định dồn hết vốn vào mua một căn hộ khoảng 1,1 tỷ đồng với diện tích 40m2. Bởi nếu mua chung cư ở khu vực xa hơn như Đông Anh, Gia Lâm, giá cũng gần 2 tỷ một căn nhỏ, lại xa, không tiện đi lại. Thế nhưng cuối cùng tôi phải “bỏ của chạy lấy người”…”.
Chia sẻ thêm về hành trình “đãi cát tìm vàng” này, chị Diệp Anh cho biết, sau khi đặt cọc tiền mua căn hộ chung cư mini như dự kiến, sau 10 ngày chị đến thanh toán tiền và ký hợp đồng mua nhà, đề nghị chủ đầu tư cho xem sổ đỏ sở hữu khu đất thì đơn vị này không trình ra được. Theo lý giải của chủ đầu tư, thì họ đang “cắm” sổ tại ngân hàng để… xoay vốn và hứa hẹn sẽ lấy về sau 1 tháng nữa. Quá hoảng hốt, chị Diệp Anh liền “quay xe” không dám mua căn hộ này nữa và phải chật vật mới lấy lại được tiền đặt cọc.
“Hiện giờ tôi vẫn đi thuê nhà, cầm 1 tỷ đồng trong tay mà lòng dạ hoang mang, không biết đi đâu về đâu. Giấc mơ chung cư vẫn còn xa vời vợi”, chị Diệp Anh than thở.
Cũng như chị Diệp Anh, chị Nguyễn Thị Chinh ở Thanh Oai (Hà Nội) cũng khó khăn khi đi mua căn hộ chung cư với số vốn hơn 1 tỷ đồng. Chị Chinh cho biết, thu nhập của gia đình chị vào khoảng 25-30 triệu đồng/tháng. Sau nhiều năm tích cóp, chị cũng có trong tay hơn 1 tỷ đồng để mua căn hộ chung cư như mơ ước. Thế nhưng thời điểm này, chị đành ngậm ngùi “quyết” một căn hộ chung cư chuyển nhượng ở quận Hoàng Mai.
Chị Chinh cho biết: “Tôi vừa mua căn chung cư 45m ở khu đô thị Linh Đàm. Mặc dù nơi này bị nhiều người cho rằng quá đông, lộn xộn, kẹt xe… nhưng với số tiền như vậy, tôi không còn lựa chọn nào khác. Cách đây 3 tháng, một căn hộ tương tự ở HH Linh Đàm có giá khoảng 800 - 900 triệu đồng tùy căn, nhưng đến nay đã lên đến trên 1 tỷ đồng. Các khu chung cư mới đang mở bán tại Hoàng Mai, Đống Đa, Long Biên… cũng tầm 2 - 4 tỷ đồng một căn bậc trung, dù có vay được ngân hàng thì cái giá phải trả cũng ngoài khả năng của gia đình tôi”.
Theo con số thống kê quý 3 của Savills, giá căn hộ từ 2 đến 4 tỷ đồng ở Hà Nội chiếm 85% nguồn cung, tăng mạnh từ mức 15% trong năm 2018. Căn hộ có giá dưới 2 tỷ đồng chiếm 12%, còn lại là các căn hộ có giá trên 4 tỷ đồng. Trong khi đó, giá cho thuê căn hộ hiện nay cũng đang tăng mạnh khiến nhiều người tiến thoái lưỡng nan, mua không được mà thuê cũng không xong.
Theo đánh giá của Savills, giá căn hộ có xu hướng tăng từ năm 2019. Thủ tục pháp lý kéo dài và chậm phê duyệt dẫn tới nguồn cung mới còn hạn chế. Hà Nội sẽ bố trí 1.868ha cho phát triển nhà ở, bao gồm 1.384ha ở đô thị và 484 ha tại nông thôn. Như vậy, Hà Nội sẽ cần có thêm 19,69 triệu m2 căn hộ (tương đương 166.600 căn) đến năm 2025 để đáp ứng nguồn cầu. Tuy nhiên, sẽ chỉ có thêm 70.000 căn dự kiến được mở bán tới năm 2025, do đó dẫn tới việc thiếu hụt giữa nguồn cung thực tế và theo Chương trình Phát triển Nhà ở, ước tính vào khoảng 96.600 căn.
Còn theo phân tích của sàn Batdongsan.com, quý 3 năm nay thị trường chung cư Hà Nội có mức độ quan tâm tăng nhẹ, giá bán vẫn tiếp tục đà tăng tốt ở phân khúc trung cấp. Trong khi đó, thị trường cho thuê chung cư Hà Nội tiếp tục ghi nhận tăng trưởng giá thuê và mức độ quan tâm tại nhiều quận. Giá thuê nhà phố cũng tăng mạnh tại các quận trung tâm.
Theo báo cáo quý 3 của Vars, nguồn cung chung cư chủ yếu là sản phẩm cao cấp, chiếm 62% lượng giao dịch trên thị trường. Sản phẩm căn hộ bình dân chỉ đạt có 4,7% tổng lượng cung và nằm ở rất xa khu trung tâm. Giá đất nền ở một số dự án bình quân tăng trên 20% so với 2021 và khoảng 5% so với đầu năm. Một số khu vực như Mê Linh, giá bán ở một số dự án được đẩy lên tới 100 triệu đồng/m2. 9 tháng năm 2022, Hà Nội có hơn 8.700 sản phẩm chung cư được Sở Xây dựng Hà Nội phê duyệt đủ điều kiện bán hàng, bằng 49,4% năm 2020 và 32,7% năm 2019.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao động Thủ đô, chuyên gia bất động sản Quản Thành Vinh cho biết, thực tế, những chung cư thương mại khu vực nội thành có giá không dưới 30 triệu đồng/m2. Điều này gây khó cho những người làm công ăn lương, thu nhập khoảng trên dưới 20 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập như vậy để tích lũy mua một căn nhà ở Hà Nội rất là khó nếu như không có nguồn vốn vay khác. Trước đây, có căn hộ chung cư chỉ khoảng 1 - 2 tỷ đồng là có thể mua trả góp, nhưng hiện nay thị trường căn hộ này đã vắng bóng.
Chuyên gia này cho biết, người mua nhà cần cân nhắc các yếu tố về nguồn cung để quyết định chờ đợi hay mua vội một căn hộ. Các yếu tố đó bao gồm: Nguồn cung về nhà ở thương mại từ các dự án mới được bổ sung không nhiều, nguồn cung nhà ở trong quý chủ yếu vẫn từ những dự án đã được triển khai và đang được mở bán. Nguồn cung nhà ở xã hội rất hạn chế, căn hộ giá rẻ hầu như không ghi nhận nguồn cung mở bán mới trong quý 3.
“Nguồn cung bất động sản, nhà ở sẽ còn hạn chế do lượng dự án được mở mới giảm so với các năm trước, trong khi nhiều dự án đã được chấp thuận gặp vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý. Các nguồn vốn bao gồm nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu dành cho lĩnh vực bất động sản đều gặp khó khăn, dẫn đến nguồn cũng giảm. Vì vậy, trong tương lai gần, nguồn cung bất động sản sẽ tiếp tục “tắc nghẽn”. Với số vốn từ 1-2 tỷ đồng, người mua nhà sẽ vẫn khó để mua được căn hộ ưng ý”, chuyên gia cho biết.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm