Thị trường hàng hóa
Nhu cầu về thực phẩm tươi và thương mại điện tử ngày càng gia tăng đang là những động lực chính thúc đẩy ngành kho lạnh phát triển.
Kho lạnh nhìn chung tập trung thành cụm, hầu hết trong các khu công nghiệp hoặc trong các cảng sông, cảng biển. Hai nhánh chính của thị trường Việt Nam là kho lạnh thương mại và các kho lạnh tự vận hành.
Thị trường kho lạnh phát triển hơn ở khu vực phía Nam, phần lớn do sự phát triển của ngành thủy sản và nông nghiệp. Trong đó, tỉnh Long An tập trung nhiều kho lạnh do được kết nối chặt chẽ với vựa nông sản là Đồng bằng sông Cửu Long và có vị trí kề cận TP.HCM.
Các doanh nghiệp cho thuê cạnh tranh trên nhiều tiêu chí bao gồm sức chứa kho bãi, số lượng tấm pallet, đội xe tải cải tiến và chuyên dụng, phạm vi nhiệt độ, phạm vi mạng lưới kho bãi và vị trí...
Do sự khan hiếm về từng loại kho lạnh chuyên biệt, nhu cầu có thể sẽ vượt cung, nên khả năng tăng giá sẽ cao hơn. Mặc dù chi phí đầu tư vào trang thiết bị kho lạnh ngày càng tốn kém do chi phí lắp đặt vật liệu cách nhiệt và máy móc, nhưng giá thuê cao lại là động lực mạnh mẽ để các chủ đầu tư sẵn sàng xây dựng các dự án kho lạnh.
Đây là một thị trường có sức hấp dẫn lớn. Các quỹ đầu tư ngoại cũng đang đẩy mạnh rót vốn vào xây dựng kho lạnh tại Việt Nam.
Đi kèm với kho lạnh, vận tải lạnh - container lạnh cũng đang có nhiều sự cạnh tranh khi số lượng nguồn cung gia tăng liên tục. Doanh nghiệp đã chuyển từ container thường sang đầu tư hơn 500 container lạnh, chủ yếu phục vụ tận gốc các nhóm hàng về nông, thủy sản, y tế, thực phẩm… sau khi thu hoạch.
Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn phát triển bền vững chuỗi cung ứng lạnh, các nhà cung cấp cần hiểu được khách hàng của mình mong muốn điều gì, ngoài ra cần quan tâm các vị trí phù hợp xây dựng kho lạnh cho từng loại hình dịch vụ, nhà nước cần xây dựng trung tâm logistics riêng, hạ tầng kết nối theo lộ trình từ cảng, sân bay, đường sông… rút ngắn thời gian di chuyển để đảm bảo hàng hóa chất lượng và tối ưu hóa chi phí.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm