Thị trường hàng hóa
Giá dầu giảm phiên cuối tuần
Thống kê từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá dầu thô ngày 26/12 như sau, giá dầu WTI ghi nhận mức tăng 6,85% lên mức 79,56 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên ở mức 83,92 USD/thùng, tăng 6,3%.
Ngay từ đầu tuần, giá dầu đã nhận được lực mua tương đối tích cực trước các cam kết của Chính phủ Trung Quốc tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương, với việc kêu gọi tăng cường chính sách hỗ trợ để thực hiện mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế trong năm 2023 sắp tới. Các nhà hoạch định chính sách có thể nhắm tới mục tiêu tăng trưởng 5%, và điều này làm tăng kỳ vọng nhu cầu dầu thô cho các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc sẽ được thúc đẩy, từ đó hỗ trợ cho giá.
Lực mua cũng được được thúc đẩy hơn nữa khi Báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ trong tuần trước giảm mạnh hơn dự báo ở mức 5,9 triệu thùng. Đặc biệt là tồn kho nhiên liệu chưng cất cắt đứt chuỗi tăng trước đó, với mức giảm 0,2 triệu thùng, phản ánh nhu cầu có thể tăng lên trước các đợt lạnh sắp tới.
Đến ngày 27/12, đợt bão mùa đông lớn đang đang khiến cho một phần lớn lãnh thổ ở Mỹ bị mất điện và làm tăng nguy cơ khiến hàng triệu người nữa phải đối mặt với tình trạng mất điện.
Thời tiết lạnh giá khắc nghiệt làm nhu cầu đối với dầu thô và khí đốt tự nhiên tăng mạnh. Nhiều nhà máy điện, cũng như khai thác dầu và khí đốt tự nhiên phải tạm ngừng hoạt động do tình trạng đóng băng. Nhu cầu sưởi ấm gia tăng trong khi nguồn cung bị gián đoạn làm trầm trọng hơn những lo ngại thiếu hụt nhiên liệu trong ngắn hạn.
Sang ngày 28/12, giá dầu ít thay đổi trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, phản ánh phần nào tâm lý lưỡng lự của các nhà đầu tư trước một loạt các tin tức cơ bản về cung cầu. Kết thúc phiên 27/12, giá dầu WTI chỉ giảm nhẹ 0,04% về 79,53 USD/thùng, trong khi đó giá dầu Brent tăng nhẹ 0,21% lên 84,68 USD/thùng.
Giá dầu giảm vào phiên ngày 29/12 khi giá dầu WTI giảm 0,72% xuống 78,96 USD/thùng. Dầu Brent ở mức 83,99 USD/thùng sau khi giảm 0,81%, khí tự nhiên giảm sâu 8%.
Bước sang phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu thô WTI giảm 0,71% về 78,40 USD/thùng, còn giá dầu thô Brent giảm 0,63% về 83,46 USD/thùng. Sức ép bán trên thị trường dầu thô chiếm ưu thế trong phần lớn thời gian của phiên ngày hôm qua. Các nhà đầu tư đang cho thấy tâm lý khá thận trọng đối với triển vọng năm 2023 trước sự nới lỏng của Trung Quốc có thể làm gia tăng tình trạng lây nhiễm Coivid-19 trên toàn cầu. Nhiều quốc gia hiện tại đang thiết lập kế hoạch kiểm soát người Trung Quốc nhập cảnh bởi lo ngại sự lây lan dịch bệnh.
Hai mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều
Vào giữa tuần, kết thúc phiên giao dịch ngày 29/12, sắc đỏ áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý là sự bật tăng của Arabica với mức tăng gần 7 cents do những lo ngại về nguồn cung.
Thời tiết diễn biến theo xu hướng tác động tiêu cực đến mùa vụ cà phê trong niên vụ tới đã kéo giá Arabica tăng mạnh gần 4%. Theo dự báo, khu vực này sẽ ghi nhận lượng mưa cao hơn bình thường khoảng 60-120mm. Điều này làm gia tăng khả năng ngập úng tại vùng trồng cà phê chính khi mới tuần trước khu vực này đã đón nhận lượng mưa lên tới 150mm. Lượng nước tồn đọng quá lớn trong thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của cây cà phê, nhiều khả năng có thể khiến sản lượng và chất lượng suy giảm. Bên cạnh đó, đồng Real hồi phục cũng góp phần hạn chế lực bán từ phía nông dân Brazil và hỗ trợ giá.
Ở chiều ngược lại, Robusta có phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ với mức giảm mạnh gần 3%. Tỷ giá USD/VND kết hợp với nhu cầu đẩy mạnh hàng ra thị trường trước dịp Tết Nguyên đán của nông dân Việt Nam, khiến lực bán tăng mạnh trên thị trường và gây sức ép lên giá.
Tại thị trường nội địa, thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy tổng lượng cà phê xuất khẩu trong 15 ngày đầu tháng 12 của nước ta đạt hơn 69,9 nghìn tấn, tăng mạnh 26,5% so với mức 55,4 nghìn tấn của nửa đầu tháng 11. Với gần 70 nghìn tấn cà phê xuất khẩu, Việt Nam đã thu về hơn 156,9 triệu USD.
Luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 15/12, cả nước đã xuất khẩu tổng cộng 1,65 triệu tấn cà phê, đạt tổng kim ngạch 3,79 tỷ USD, tiến rất sát với mục tiêu kỷ lục 4 tỷ USD trong năm nay. Theo MXV, lượng tồn kho cà phê của Việt Nam được nhận định đang ở mức thấp. Do vậy, các chuyên gia dự đoán 2023 sẽ là năm xuất khẩu khó khăn của Việt Nam. Một mặt do sản lượng cà phê thu hoạch trong vụ hiện tại sẽ bù vào các kho dự trữ. Mặt khác, sản lượng suy yếu cũng làm giảm lượng xuất khẩu của nước ta.
Giá thép trong nước biến động không đồng nhất
Với sự phục hồi của giá sắt thép trên thế giới trong khoảng 1 tháng trở lại đây, giá thép trong nước cũng đang ghi nhận những biến động đáng chú ý sau gần 2 tháng đi ngang. Đến đầu tháng 12, các doanh nghiệp thép trong nước đã rục rịch điều chỉnh giá, song các đợt tăng/giảm không đồng nhất. Trong vòng vài tuần qua, nhiều thương hiệu đã điều chỉnh giá vài lần. Đáng chú ý, thép Hòa Phát đã tăng giá mạnh sản phẩm thép cuộn CB240 lên mức 14,74 triệu đồng/tấn và thép thanh vằn D10 CB300 lên mức 15,02 triệu đồng/tấn kể từ cuối tuần qua sau khi liên tục giữ giá. Tuy nhiên, một số thương hiệu khác như thép Việt Ý hay thép Pomina lại ghi nhận mức giá có sự điều chỉnh giảm nhẹ.
Theo MXV, thị trường thép đang chờ đợi những tín hiệu tích cực trong đầu năm tới bởi thông thường, đây sẽ là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng và hàng loạt các dự án gấp rút đẩy mạnh tiến độ. Nhu cầu thép trong năm 2023 có thể tăng mạnh hay không vẫn còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là khi tồn kho thép của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn cao. Tuy nhiên, với hi vọng về việc Trung Quốc mở cửa trở lại, và sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước tiếp cận các thị trường mới trên thế giới, ngành thép sẽ có nhiều cơ hội phục hồi.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm