Thị trường hàng hóa
Theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), trong phiên giao dịch đầu tuần đầy giằng co, thị trường dầu thô tiếp tục duy trì được sắc xanh. Giá dầu thô WTI trên Sở NYMEX tăng 1,14% lên 78,76 USD/thùng, và giá dầu thô Brent niêm yết trên Sở ICE EU tăng 1,31% lên 82,73 USD/thùng.
Tuy nhiên, vào phiên giao dịch ngày Thứ 3 (25/4), dữ liệu kinh tế tiêu cực của Mỹ và triển vọng tiêu thụ yếu đã chi phối khiến giá dầu quay đầu lao dốc. Cả hai loại dầu thô WTI và Brent đều ghi nhận mức giảm mạnh hơn 2% Cụ thể, giá dầu WTI giảm 2,15% xuống 77,07 USD/thùng, dầu Brent giảm 2,37% xuống 80,77 USD/thùng.
Tiếp đó, ngày 26/4, sắc xanh xuất hiện vào đầu phiên, sau khi Viện dầu khí Mỹ (API) cho biết, tồn kho dầu thô thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 21/04 ghi nhận mức giảm mạnh 6,1 triệu thùng, cao hơn nhiều so với mức dự báo giảm 1,5 triệu thùng.
Tuy nhiên, sức ép bán gia tăng từ phiên chiều khi mà các nhà đầu tư lo ngại về việc triển vọng tiêu thụ kém, bởi nhu cầu của Trung Quốc hiện vẫn phục hồi yếu hơn so với kỳ vọng, đồng thời, thị trường cũng đang dự đoán rằng tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ chậm lại đáng kể trong nửa cuối năm nay.
Áp lực này khiến cho giá dầu lao dốc. Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/4, giá dầu thô WTI giảm 3,59% về 74,30 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 3,81% về 77,69 USD/thùng. Giá của cả hai mặt hàng dầu thô ở mức thấp nhất trong gần 1 tháng.
Ngày 27/4, giá dầu phục hồi nhẹ bất chấp dữ liệu GDP Mỹ kém tích cực. Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thước đo của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong Quý I/2023 của Mỹ đã tăng 1,1% so với quý trước, thấp hơn nhiều so với dự đoán mức tăng trưởng 2%.
Lo ngại nền kinh tế chịu nhiều sức ép ảnh hưởng tới năng lực tiêu thụ dầu, đã cản trở đà phục hồi của giá dầu, khiến giá liên tục giằng co trong biên độ hẹp trong phiên. Tuy nhiên, lực mua và bán tương đối cân bằng khiến giá dầu chỉ tăng nhẹ, với dầu WTI tăng 0,62% lên 74,76 USD/thùng và dầu Brent tăng 0,64% lên 78,22 USD/thùng.
Vào phiên cuối tuần, giá dầu giữ đà tăng nhẹ, tiến gần mức 80 USD/thùng. Cụ thể, giá dầu WTI tăng 0,68 USD, lên mức 75,62 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tăng 0,64 USD, lên mức 79,09 USD/thùng.
Giá dầu dù tăng nhưng đang hướng tới một đợt giảm hàng tháng khác sau khi dữ liệu kinh tế đáng thất vọng của Hoa Kỳ và sự không chắc chắn về việc tăng lãi suất tiếp theo đè nặng lên triển vọng nhu cầu.
Dầu Brent được định hướng cho tháng giảm thứ tư liên tiếp, còn dầu WTI được thiết lập cho tháng giảm thứ sáu liên tiếp.
Trước diễn biến của giá dầu tuần qua, MXV phân tích kỹ thuật và khuyến nghị: "Giá dầu WTI thất bại trong việc phá hỗ trợ 74 USD/thùng. RSI trên khung H4 vẫn đang ở vùng quá bán và giá nhiều khả năng sẽ tiếp tục có nhịp hồi kỹ thuật lên cạnh giữa của dải Bollinger Band. Dự báo giá dầu sẽ hồi lên vùng trước “lấp gap” ở vùng 76 USD. Các nhà đầu tư có thể mua tại 74,5 USD với kỳ vọng chốt lời ở 75,5 - 75,8 USD, cắt lỗ 73,8 USD. Hoặc để tránh rủi ro giao dịch ngược xu hướng và nhà đầu tư muốn nắm giữ vị thế dài hơn, có thể đợi giá hồi lên vùng 75,8 - 76,2 USD và mở bán với kỳ vọng chốt lời tại 73,2 USD".
Thị trường nông sản tuần qua chủ yếu là chìm trong sắc đỏ, với giá đầu tương và lúa mì cùng giảm liên tiếp 7 phiên; giá ngô cũng giảm mạnh trong hơn 1 tuần.
Cụ thể, giá đậu tương ghi nhận 7 liên tiếp suy yếu và giảm về gần mức hỗ trợ tâm lý 1400. Theo MXV, sức ép từ diễn biến dầu đậu tương, sau khi triển vọng dầu thực vật nới lỏng hơn là yếu tố lý giải cho diễn biến giá.
Ngày 27/3, Bộ Thương mại Indonesia cho biết, sẽ hạ thấp ngưỡng bán hàng nội địa bắt buộc đối với các nhà xuất khẩu dầu cọ xuống còn 300.000 tấn mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 5, cho phép nhiều lô hàng được rời khỏi nước này. Đây là chính sách nới lỏng, sau khi Indonesia thắt chặt xuất khẩu vào đầu năm nay do dự đoán nhu cầu cao hơn trong tháng lễ hội Ramadan linh thiêng của người hồi giáo.
Ngoài ra, Chính phủ nước này cũng sẽ cho phép các công ty tiếp tục sử dụng giấy phép xuất khẩu với khối lượng khoảng 3 triệu tấn đã bị đình chỉ đầu năm nay. Một quan chức cấp cao Bộ Thương mại Indonesia cho biết, những giấy phép này sẽ được phép sử dụng trong từng giai đoạn trong 9 tháng tới.
Việc Indonesia đẩy mạnh bán hàng sẽ nới lỏng nguồn cung dầu thực vật trong dài hạn. Đây là thông tin đã khiến giá dầu cọ và dầu đậu tương giảm mạnh trong ngày hôm qua, từ đó khiến đậu tương chịu áp lực bán.
Ở một diễn biến khác, nhịp giảm mạnh của ngô trong hơn 1 tuần trước đó tiếp tuc mở rộng khi giá phá vỡ vùng hỗ trợ tâm lí 600. Triển vọng nhu cầu ngô Mỹ suy yếu cũng góp phần thúc đẩy lực bán mạnh đối với giá mặt hàng này.
Cùng với đó, giá lúa mì cũng ghi nhận mức giảm mạnh, tiếp nối đà suy yếu và tạo thành chuỗi 7 phiên liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ. Những đánh giá tích cực về nguồn cung vẫn đóng vai trò là yếu tố chính tạo sức ép lên giá mặt hàng này.
Trái ngược với thị trường nông sản, trên bảng gí các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp ghi nhận giá đường thô vẫn ở mức đỉnh hơn 11 năm.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày đầu tuần 24/4, giá đường thô bật tăng mạnh, xác lập kỷ lục giá mới trong 11 năm với mức tăng 4,03%, mức tăng mạnh nhất trong 1 phiên kể từ ngày 30/9/2021.
Giá đường tiếp tục duy trì ở mức cao, đến phiên cuối tuần lại tăng hơn 2% khi thị trường gia tăng lo ngại về vấn đề thiếu hụt nguồn cung.
Theo đó, những lo ngại thiếu hụt nguồn cung tiếp tục gia tăng và dẫn dắt xu hướng của thị trường. Xuất khẩu đường trung bình mỗi ngày trong 3 tuần đầu tháng 4 tại Brazil ở mức 51.300 tấn, thấp hơn rất nhiều so với mức 69.300 tấn trung bình mỗi ngày trong tháng 4 năm ngoái. Con số này thể hiện tình hình xuất khẩu ảm đạm tại Brazil, làm gia tăng lo ngại vấn đề thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, đặc biệt khi các quốc gia sản xuất lớn khác như Ấn Độ, Trung Quốc đều dự báo sản lượng sụt giảm.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm