Thị trường hàng hóa
Giá dầu thô kết thúc chuỗi giảm vào cuối tuần
Thị trường dầu thô đã có một tuần lao dốc rất mạnh. Vào đầu tuần, thống kê từ Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), lo ngại tăng trưởng chậm kéo theo sự suy yếu trong bức tranh nhu cầu đã kéo giá dầu giảm, với dầu WTI giảm 3,77% xuống còn 76,68 USD/thùng và dầu Brent giảm 3,55% xuống 82,78 USD/thùng.
Sang đến ngày 14/3, giá dầu tiếp tục giảm trong một phiên giao dịch đầy biến động, trong bối cảnh thị trường hết sức lo ngại về những rủi ro phát sinh từ sự sụp đổ của ngân hàng SVB. Kết thúc phiên 13/03, giá dầu thô WTI giảm 2,45% về 74,80 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 2,43% về 80,77 USD/thùng.
Đến ngày 15/3, thị trường năng lượng chứng kiến phiên lao dốc mạnh mẽ của cả 2 loại mặt hàng dầu thô WTI và Brent với mức giảm lần lượt là 4.64% xuống 71,33 USD/thùng và 4,11% xuống 77,45 USD/thùng. Lo ngại về lạm phát cố hữu buộc chính sách thắt chặt tiền tệ vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện, trong bối cảnh rủi ro tài chính kinh tế gia tăng đã kéo giá dầu ghi nhận phiên giảm trong ngày mạnh nhất kể từ ngày 4/1 hồi đầu năm, đẩy giá dầu đóng cửa mức thấp nhất trong vòng hơn 3 tháng.
Sang ngày 16/3, giá dầu tiếp tục lao dốc về mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021 trong bối cảnh nhà đầu tư đón nhận hàng loạt các tin tức tiêu cực từ cả yếu tố vĩ mô và bức tranh cung cầu. Kết thúc phiên 15/03, giá dầu thô WTI giảm 5,22% về 67,61 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 4,85% về 73,69 USD thùng.
Chỉ đến khi sang ngày 17/3, giá dầu sau 3 phiên đánh mất tổng cộng gần 10 USD/thùng mới phục hồi trở lại từ mức đáy 15 tháng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/03, giá dầu WTI tăng 1,09% lên 68,35 USD/thùng, và dầu Brent tăng 1,37% lên 74,7 USD/thùng sau khi nhóm nước OPEC+ có các tín hiệu trấn an sau tâm điểm về những rủi ro trong ngành tài chính ngân hàng làm chao đảo thị trường trước đó.
Tâm lý thị trường dần ổn định trở lại khi những rủi ro xung quanh Ngân hàng Credit Suisse được xoa dịu một phần, do Cơ quan quản lý tài chính Thụy Sĩ FINMA và Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ cam kết cung cấp thanh khoản cho ngân hàng này. Credit Suisse sẽ vay tối đa 50 tỷ franc Thụy Sĩ từ Ngân hàng Trung ương và họ đề nghị mua lại các chứng khoán nợ cao cấp trị giá lên tới 3 tỷ franc. Điều đó đã khiến giá dầu mở cửa phiên với mức tăng so với mốc tham chiếu.
Tuy nhiên, đà giảm tiếp nối trong phiên chiều tối khi các nhà đầu tư chờ đợi thông tin về cuộc họp lãi suất của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Bất chấp những rủi ro tài chính gần đây, ECB vẫn quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên, qua đó đưa mức lãi suất cơ bản lên 3,5%, cao nhất kể từ năm 2009. Điều này tiếp tục gây áp lực tới giá dầu bởi lo ngại chi phí vay tăng cao có thể đè năng tới tăng trưởng và tình hình tiêu thụ dầu. Nguồn tin từ Reuters cũng có biết, các nhà sản xuất dầu mỏ, ngân hàng và quỹ phòng hộ đã tăng cường mua quyền chọn bán để tự bảo vệ khỏi những tổn thất tiếp theo.
Nhìn chung, giá dầu vẫn đang phục hồi tương đối thận trọng và lo ngại sức ép vẫn còn, Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm 20.000 xuống mức 192.000 trong tuần kết thúc vào ngày 11/3, mức giảm là lớn nhất kể từ tháng 07. Thị trường lao động vẫn đang mạnh mẽ, đặt ra nhiều lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất, nhất là khi cuộc họp ngày 21-22/03 đang đến gần, tạo lực cản đối với đà phục hồi của giá dầu.
Giá nông sản phục hồi
Đóng cửa tuần giao dịch 06/02 – 12/03, giá ngô ghi nhận mức giảm mạnh, tiếp nối xu hướng từ 2 tuần trước đó và tiến về sát hỗ trợ tâm lí 600 cents. Báo cáo Cung – cầu tháng 3 được USDA công bố vào tối thứ 4 tuần trước đã cho thấy triển vọng nhu cầu ngô Mỹ được đánh giá kém hơn và từ đó tạo áp lực lên giá mặt hàng này.
Cụ thể, tồn kho ngô niên vụ 2022/23 của Mỹ đã tăng mạnh thêm 75 triệu giạ lên mức 1,3 tỷ giạ, cao hơn mức dự đoán của thị trường. Sự chênh lệnh này đến từ việc số liệu xuất khẩu bị cắt giảm do tốc độ bán hàng kém, sau khi Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu ngô Brazil. Đây là yếu tố chính đang tạo sức ép lên giá ngay sau khi báo cáo được phát hành.
Trong khi đó, giá lúa mì cũng lao dốc mạnh với tuần thứ 4 liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ. Các nước sản xuất lớn đều đón nhận những tín hiệu lạc quan về triển vọng mùa vụ chính là nguyên nhân lý giải cho việc giá suy yếu về mức thấp nhất trong vòng 18 tháng qua.
Song, đến phiên 15/3, lúa mì là mặt hàng tăng mạnh nhất thị trường nông sản với mức tăng lên tới 1,72%, qua đó ghi nhận phiên tăng giá thứ ba liên tục. Lúa mì nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ lực mua kỹ thuật của các nhà đầu tư, khi mà giá đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 tháng vào cuối tuần trước. Thêm vào đó, sự không chắc chắn về tương lai của thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen cũng đã thúc đẩy đà tăng giá lúa mì.
Cùng với đó, giá ngô cũng đã quay đầu tăng mạnh trở lại và xóa đi hoàn toàn mức giảm của phiên trước đó. Lực mua đối với ngô chủ yếu đến từ sự khởi sắc mạnh mẽ của giá lúa mì, theo sau những lo ngại liên quan tới tương lai của thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Ngoài ra, triển vọng khả quan đối với hoạt động xuất khẩu ngô của Mỹ sang thị trường Trung Quốc đã hỗ trợ đà tăng của giá.
Đến cuối tuần, giá lúa mì giữ nguyên ở mức 819.75 USD/Bushels. Giá ngô tăng 1% lên 632.75 USD/Bushels.
Cà phê Arabica đảo chiều tăng mạnh
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/03, sắc xanh đã trở lại và áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý khi giá 2 mặt hàng cà phê đồng loạt bật tăng mạnh sau chuỗi phiên giảm liên tiếp trước đó.
Arabica đảo chiều bật tăng mạnh 4,32% trong phiên hôm qua khi giá được hỗ trợ bởi dữ liệu tồn kho tại Mỹ. Theo đó, tồn kho cà phê của các cảng tại Mỹ đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp, về mức 6,1 triệu bao khi kết thúc tháng 02/2023. Điều này một lần nữa nhận mạnh lại việc hạn chế bán hàng của các nước xuất khẩu chính trong 2 tháng đầu năm, khiến nguồn cung trên thị trường rơi vào thiếu hụt trong ngắn hạn, từ đó hỗ trợ giá Arabica bật tăng. Cùng với đó, Dollar Index suy yếu đã kéo theo cặp tỷ giá USD/Brazil Real quay đầu giảm 1,13% sau 5 phiên tăng liên tiếp, làm hạn chế nhu cầu bán hàng từ phía nông dân Brazil và góp phần thúc đẩy giá tăng trở lại.
Dưới lực kéo từ Arabica, Robusta cũng ghi nhận mức tăng 1,7% trong phiên hôm qua. Tồn kho Robusta trên Sở ICE London tiếp tục tăng mạnh từ 74.330 tấn lên mức 75.380 tấn, cao nhất kể từ ngày 17/12/2022.
Ở thị trường nội địa, theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, nước ta đã xuất khẩu được 200.056 tấn cà phê với kim ngạch 435 triệu USD trong tháng 02/2023, tăng hơn 40% so với tháng trước cũng như tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, lũy kế xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm vẫn ghi nhận sự suy yếu với mức giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2022 khi tổng lượng xuất khẩu chỉ đạt 342.352 tấn.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm