Thị trường hàng hóa
Theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), sau khi đón nhận lực mua tích cực trong nửa đầu ngày giao dịch ngày 14/06, giá dầu đã đảo chiều giảm mạnh trở lại trong phiên tối và kết phiên trong sắc đỏ. Giá dầu WTI đánh mất mốc 70 USD/thùng, giảm 1,66% xuống 68,27 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên với mức giá 73,2 USD/thùng sau khi giảm 1,47%.
Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy mức tồn kho dầu thô thương mại Mỹ bất ngờ tăng vọt, làm dấy lên lo ngại về sự suy yếu của nhu cầu, kéo giá dầu sụt giảm mạnh. Ngoài ra, cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra thông điệp lãi suất có thể chưa đạt đỉnh, cũng góp phần thúc đẩy lực bán.
Vào hôm qua ngày 14/06, Trung Quốc đã ban hành đợt hạn ngạch nhập khẩu dầu thô năm 2023 lần thứ 3, nâng tổng khối lượng trong nửa đầu năm nay lên 194,1 triệu tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô thế giới năm 2023 thêm 200,000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 102,3 triệu thùng/ngày, chủ yếu do vai trò tiêu thụ từ Trung Quốc. Điều này nới rộng mức thâm hụt nguồn cung trong năm nay thêm 230,000 thùng/ngày so với báo cáo tháng 5, lên mức 1 triệu thùng/ngày.
Thông tin này đã hỗ trợ giá dầu WTI vượt mốc 70 USD/thùng trong phiên sáng. Tuy nhiên, cơ quan này dự kiến áp lực kinh tế sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng nhu cầu trong năm sau chỉ bằng 50% so với 2 năm trước.
Đáng chú ý, đà tăng của giá dầu hoàn toàn bị xoá bỏ trong phiên tối sau báo cáo của EIA. Cụ thể, cơ quan này cho biết dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ (không bao gồm dự trữ chiến lược) đã tăng mạnh 7,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 09/06. Con số này gấp hơn 7 lần so với dữ liệu từ Viện dầu khí độc lập (API) và trái ngược dự đoán giảm của thị trường. Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất đồng loạt tăng 2,1 triệu thùng.
Dữ liệu phản ánh nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ khá yếu trong bối cảnh mùa lái xe cao điểm bắt đầu diễn ra, gây sức ép mạnh cho giá dầu ngay sau thời điểm phát hành báo cáo.
Ngân hàng JPMorgan cũng đã hạ dự báo giá dầu thô Brent trung bình năm nay từ 90 USD xuống còn 81 USD/thùng.
Góp phần vào đà giảm giá dầu, cuộc họp của Fed vào đêm qua mặc dù đi đến quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,00 – 5,25% như dự kiến, nhưng cảnh báo lãi suất vẫn có thể tiếp tục tăng trong các kỳ họp tiếp theo, khiến rủi ro suy thoái tiềm ẩn.
Trong số 18 nhà hoạch định chính sách, 12 quan chức cho rằng lãi suất bằng hoặc cao hơn phạm vi trung bình từ 5,5% đến 5,75%, cho thấy hầu hết các nhà hoạch định đều đồng ý cần thắt chặt tiền tệ hơn nữa để kiềm chế áp lực giá cả.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/06, giá ngô đã giảm gần 0,8% so với mức tham chiếu. Thị trường ngày hôm qua diễn biến tương đối rung lắc khi giá liên tục đảo chiều. Những thông tin cơ bản trái chiều là yếu tố lý giải cho diễn biến giá.
Báo cáo Dầu khí hàng tuần của EIA cho thấy, trong tuần kết thúc vào ngày 09/06, tồn kho ethanol của Mỹ đã giảm xuống chỉ còn 22.226 nghìn thùng, thấp hơn mức 22.948 nghìn thùng trong tuần trước đó. Việc tồn kho sụt giảm đến từ sản lượng của Mỹ suy yếu trong tuần này.
Cụ thể, EIA cho biết sản lượng ethanol đã giảm 1,8% xuống chỉ còn 1.018 nghìn thùng/ngày, từ mức 1.036 nghìn thùng/ngày trước đó. Ngô là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất nguyên liệu sinh học. Ước tính 36% sản lượng ngô Mỹ được sử dụng để phục vụ ngành công nghiệp ethanol. Do đó, các số liệu trong báo cáo của EIA hôm qua đã có ảnh hưởng tương đối trái chiều đến giá.
Bên cạnh đó, trung tâm nghiên cứu của Trường Kinh tế Kiev dự báo, ngành nông nghiệp của Ukraine có thể mất 20 năm hoặc hơn để phục hồi sau xung đột với Nga. Dựa theo các mô hình dự báo, trung tâm này cho biết sản lượng một số loại ngũ cốc sẽ không đạt được mức trước xung đột ngay cả bất ổn chấm dứt được 7 năm. Ukraine là nước sản xuất và xuất khẩu ngô lớn trên thế giới, vụ mùa của nước này bị ảnh hưởng sẽ gây ra lo ngại về nguồn cung trên toàn cầu.
Tương tự ngô, lúa mì cũng đã giảm gần 1% trong phiên vừa rồi. Thị trường lúa mì chìn chung cũng diễn biến tương đối giằng co trong ngày hôm qua, nhưng phe bán đã có phần chiếm ưu thế. Áp lực chốt lời sau 4 phiên tăng liên tiếp là nguyên nhan chính khiến giá chịu áp lực.
Trong khi đó, những động thái của Nga đối với thỏa thuận ngũ cốc biển Đen, mặc dù gây ra lo ngại đối với nguồn cung, tuy nhiên lại không phải là thông tin quá bất ngờ đối với thị trường và chưa thể tạo hỗ trợ đáng kể cho giá.
Cùng chung xu hướng giá thế giới, trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá nông sản nhập khẩu tại các cảng Cái Lân và Vũng Tàu đồng loạt được điều chỉnh giảm. Sau điều chỉnh, khu vực miền Bắc, giá ngô Nam Mỹ được chào bán trong khoảng giá 6.250 – 6.700 đối với kỳ hạn giao hàng quý III và khoảng 6.300 – 6.450 đối với kỳ hạn giao quý IV năm nay. Khu vực miền Nam, giá chào bán ghi nhận nhấp hơn khoảng 50 -100 đồng/kg. Mặc dù giá nguyên liệu đầu vào đã hạ nhiệt, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ nông sản nhập khẩu từ đầu năm đến nay vẫn tương đối chậm.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, nhập khẩu ngô trong tháng 5 vừa qua của nước ta chỉ đạt 398,6 nghìn tấn, với kim ngạch nhập khẩu đạt 131,3 triệu USD; giảm mạnh 35,9% về lượng và 38,1% về giá trị so với tháng 4. Luỹ kế từ đầu năm, nhập khẩu ngô đã giảm 9,6% về lượng và 11,6% kim ngạch.
Trong khi đó, sáng hôm nay, giá heo hơi trong nước bất ngờ tăng 1.000 - 3.000 đồng/kg. Hiện tại, giá khảo sát ở các tỉnh thành dao động trong khoảng 57.000 - 62.000 đồng/kg.
Bảng giá kim loại
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm