Thị trường hàng hóa
Theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), trong tuần giao dịch ngày 05/06 – 11/06, giá dầu mở cửa tuần với mức tăng vọt 3 USD/thùng sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) gia hạn việc cắt giảm sản lượng, và thủ lĩnh nhóm Saudi Arabia cắt giảm thêm 1 triệu thùng dầu/ngày vào tháng 7. Tuy nhiên, giá dầu liên tục suy yếu trong phần lớn các phiên giao dịch trong tuần, khi lo ngại về nhu cầu tiêu thụ kém sắc thúc đẩy lực bán.
Giá dầu WTI đóng cửa tuần ở mức 70,17 USD/thùng, giảm 2,19% so với tuần trước đó. Giá dầu Brent giảm 1,76% xuống còn 74,79 USD/thùng.
Dữ liệu kinh tế trong tháng 5 của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 trên thế giới tiếp tục cho thấy đà phục hồi yếu kém. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc trong tháng 5 giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt mức âm sau 3 tháng tăng trưởng dương.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 5 của Trung Quốc giảm tháng thứ 8 liên tiếp, xuống 4,6%, mức giảm nhanh nhất kể từ tháng 2/2016. Nhu cầu chững lại đè nặng lên lĩnh vực sản xuất, cho thấy tốc độ phục hồi kinh tế chậm chạp, tạo áp lực lên giá dầu.
Ngoài Trung Quốc, sản lượng ngành công nghiệp cũng là một mối quan tâm toàn cầu, là thước đo đại diện cho nhu cầu dầu diesel. Theo dữ liệu của JPMorgan, hoạt động sản xuất toàn thế giới đã bị thu hẹp trong 9 tháng qua, trong khi thước đo vận tải đường bộ của Mỹ ở mức yếu nhất kể từ tháng 9/2021.
Tại Mỹ, mặc dù bước vào mùa lái xe cao điểm nhưng tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất vẫn tăng lần lượt 2,7 và 5 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 2/6, theo báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Tổng sản phẩm được cung cấp, một thước đo về tiêu thụ cũng giảm hơn 220.000 thùng so với tuần tham chiếu.
Lo ngại về nhu cầu tiêu dùng yếu kém đã tạm thời lấn át các rủi ro từ nguồn cung, khiến dầu thô tiếp tục đóng cửa trong sắc đỏ trong tuần qua.
Tuy nhiên, nhiều khả năng giá dầu sẽ phục hồi trở lại trong tuần này. Vào cuối tuần qua, Bộ Năng lượng Mỹ đã công bố sẽ mua thêm 3 triệu thùng dầu thô để bổ sung vào kho dự trữ chiến lược (SPR).
Ngoài ra, nguồn cung tại Mỹ vẫn cho thấy xu hướng giảm của các giàn khoàn dầu khí. Dữ liệu từ Tập đoàn dầu khí Baker Hughes cho biết các công ty năng lượng của Mỹ đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên hoạt động trong tuần thứ 6 liên tiếp, hiện ở mức 695 giàn trong tuần kết thúc ngày 9/6.
Tuần này, các yếu tố vĩ mô nhiều khả năng sẽ tác động mạnh tới giá dầu, đặc biệt là tâm điểm của thị trường về báo cáo lạm phát tháng 5 của Mỹ và cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đêm ngày 14/06.
Dẫn đầu mức tăng của thị trường trong tuần qua là mặt hàng Dầu đậu tương đang liên thông với Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group). Hợp đồng Dầu đậu tương kỳ hạn tháng 07/2023 chốt tuần tăng thêm 10,3% lên mức 1.203 USD/tấn. Giá đậu tương, nguyên liệu đầu vào trong sản xuất dầu đậu tương, cũng tăng 2,5% lên 509,5 USD/tấn.
Những lo ngại về nguồn cung đậu tương tại các vùng sản xuất trọng điểm là nguyên nhân chính khiến giá tăng trong thời gian gần đây. Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã giảm dự báo sản lượng đậu tương của Argentina, nước sản xuất dầu đậu tương lớn nhất thế giới, đi 2 triệu tấn xuống còn 25 triệu tấn. Thời tiết xấu đã làm mất 42% sản lượng mùa vụ đậu tương của Argentina so với năm ngoái. Điều này khiến lượng xuất khẩu dầu đậu tương dự kiến sẽ chỉ đạt 3,75 triệu tấn trong niên vụ 2022/23, giảm 23% so với niên vụ trước.
Tại Mỹ, giai đoạn gieo trồng đậu tương mùa vụ 2023/24 đã hoàn thành trên 96% diện tích dự kiến. Mặc dù tốc độ gieo trồng nhanh hơn mức trung bình trong 5 năm trở lại đây, nhưng chất lượng đang ở mức đáng lo ngại. USDA báo cáo chỉ có 62% diện tích đang đạt chất lượng tốt & tuyệt vời, là hậu quả của thời tiết khô hạn kéo dài từ đầu tháng 5 tới nay ở Mỹ.
Không giống như sự phân hóa ở các nhóm mặt hàng khác, nhóm kim loại đồng loạt tăng giá mạnh trong tuần trước. Giá Quặng sắt kỳ hạn tháng 07/2023 trên Sở Singapore (SGX) tăng mạnh nhất, với mức tăng 8,3% lên 112,6 USD/tấn, mức giá cao nhất kể từ ngày 12/04/2023 tới nay. Mặt hàng này đang có chuỗi 7 ngày tăng liên tiếp, 11 ngày tăng giá trong 12 ngày giao dịch gần nhất.
Thị trường đang được hỗ trợ bởi kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục tung ra các gói kích thích tăng trưởng kinh tế. Trong tuần trước, một loạt các ngân hàng lớn của Trung Quốc đã tiến hành hạ lãi suất tiền gửi để hỗ trợ nền kinh tế. Hơn nữa, theo các nhà nghiên cứu của Bloomberg, Trung Quốc có thể cắt giảm lãi suất điều hành và tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong tháng tới, đồng thời đưa ra những chính sách khôi phục thị trường bất động sản, động lực chính cho nhu cầu tiêu thụ kim loại.
Bất chấp mức tăng mạnh của nguyên liệu sản xuất, giá thép tại Việt Nam đã có 9 đợt điều chỉnh giảm liên tiếp. Mới đây, giá thép cuộn CB240 tại khu vực miền Bắc được điều chỉnh giảm 200 - 310 đồng/kg tại tất cả các thương hiệu; khu vực miền Trung ghi nhận giá thép cuộn CB240 giảm 200 - 250 đồng/kg tại Hòa Phát, Việt Đức và Pomina. Tại miền Nam, giá thép cuộn CB240 tại Pomina và Hòa Phát giảm lần lượt 200 đồng/kg và 210 đồng/kg.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) phân tích, giá thép xây dựng trong nước liên tục giảm trong thời gian gần đây là do nhu cầu tiêu thụ suy yếu. Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất phải hạ giá bán để đẩy nhanh hàng tồn kho. VSA cũng dự báo giá thép có thể sẽ tiếp tục giảm tiếp từ nay đến cuối năm.
Lượng thép xây dựng bán ra trong tháng 4/2023 giảm hai chữ số, về mức thấp thứ hai kể từ năm 2022, dù giá liên tục giảm. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, sản xuất thép thành phẩm đạt hơn 8,8 triệu tấn, giảm 22,4% so với cùng kỳ năm 2022; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 8,1 triệu tấn, giảm 23,1% so với cùng kỳ.
Nhu cầu tại các thị trường lớn của xuất khẩu thép Việt Nam như EU, Mỹ cũng được đánh giá kém tích cực khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao. Theo số liệu mới nhất từ Tổng Cục hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,1 triệu tấn sắt thép các loại trong tháng 5, với kim ngạch xuất khẩu đạt 931 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, nước ta đã xuất khẩu 4,38 triệu tấn sắt thép, kim ngạch đạt 3,4 tỷ USD. Đây là mức tăng 10,4% về lượng, nhưng giảm 16% về giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái.
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm