Thị trường hàng hóa
Năm 2022 được ví như một năm "bản lề" mở ra giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế sau hơn 2 năm chịu tác động bởi dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù thị trường bất động sản chứng kiến sự khan hiếm nguồn cung và "siết" van tín dụng đã tạo nút thắt khiến cho thị trường tưởng chừng như chững lại. Nhưng ở thời điểm bất động sản cuối năm 2022, các chuyên gia đánh giá thị trường có nhiều triển vọng nhờ cú hích từ đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư công được thúc đẩy, sự chênh lệch cung – cầu vẫn còn lớn.
Thị trường có dấu hiệu chậm nhịp nhưng các chuyên gia cho rằng, đây là sự điều chỉnh kịp thời sau khoảng thời gian nhiều biến động. Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Việt
An Hòa phân tích, nếu theo diễn biến bình thường thì đến năm 2023, thị trường sẽ có điều chỉnh nhưng hiện nay, thị trường xuất hiện các vấn đề như trái phiếu Tân Hoàng Minh, các cuộc đấu giá bất động sản, việc làm giá cổ phiếu hay siết trái phiếu bất động sản… Vô tình bất động sản đang được tự điều chỉnh từ từ. Theo vị chuyên gia này, nhờ sự điều chỉnh sớm mà thị trường địa ốc cũng sẽ nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng trở lại trong thời gian tới.
Đánh giá về diễn biến của thị trường địa ốc hiện tại, TS. Cấn Văn Lực chỉ ra rằng, dù phải đối mặt với nhiều thách thức song tín hiệu tích cực vẫn lớn. Cụ thể, theo ông Lực, năm nay kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng phục hồi tốt hơn. Vị chuyên gia này cho rằng, người dân sẽ khó có thể mua nhà khi kinh tế tăng trưởng âm, mất việc làm và giảm thu nhập. Ông Lực nhận định, năm ngoái kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm hơn thế giới do tập trung phòng chống dịch quyết liệt với biến thể delta trong quý II, III.
Quý III/2021 tăng trưởng âm 6%, đến quý IV Chính phủ phải điều chỉnh chiến lược với nghị quyết 128 nên kinh tế đã hồi phục trở lại. Kịch bản năm nay kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8-7,1%, như vậy mức 7% là khả thi.
Vị chuyên gia này còn chỉ ra một số tín hiệu tích cực khác góp phần thúc đẩy thị trường địa ốc như Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, thông tin về quy hoạch, đầu tư hạ tầng, đầu tư công được thúc đẩy; Chiến lược Phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội…
Ngoài ra thị trường địa ốn còn đón dòng vốn dồi dào. Chỉ trong 7 tháng đầu năm, vốn vào bất động sản khoảng 420.000 tỷ đồng và dự báo đến cuối năm, con số này lên tới 800.000 tỷ đồng. Dòng vốn này được ví như "nguồn nhựa sống" quan trọng giúp thị trường địa ốc phục hồi và tăng trưởng.
Một chỉ số lạc quan khác mà TS. Lực kỳ vọng đó là việc tháo gỡ vấn đề pháp lý. Nếu việc này được thực hiện thì có hàng nghìn dự án bất động sản được giải tỏa, hàng tỷ đô đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội, bổ sung vài trăm nghìn việc làm...
Sau thời gian tăng trưởng nóng, thị trường bất động sản cuối năm 2022 đang bước vào giai đoạn hạ nhiệt. Thế nhưng, đây chỉ là giai đoạn lấy đà để chuẩn bị cho một chu kỳ tăng trưởng mới. Ngoài ra, nhu cầu về nhà ở luôn tăng khi số lượng các gia đình trẻ và tỷ lệ dân số ngày càng tăng. Theo tiền lệ trước đây, giữa giai đoạn hạ nhiệt cục bộ chính là thời cơ vàng cho những nhà đầu tư đã có sẵn tiền mặt để "săn" được bất động sản giá tốt nhưng cần phải nhanh chóng.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, thị trường bất động sản cuối năm 2022, người mua không nên kỳ vọng quá cao mà chỉ nên mua đúng loại hình bất động sản phù hợp với nhu cầu của mình. Nếu người mua cần bất động sản để phục vụ cho nhu cầu ở thì nên lựa chọn những sản phẩm có thể hoàn thiện công tác xây dựng và bàn giao sớm, giảm bớt sự quan tâm về tính hoàn thiện pháp lý.
"Giai đoạn khó khăn nào cũng có cơ hội cho người biết cân đối tài chính và mua đúng nhu cầu của bản thân. Sẽ không có một bất động sản nào hoàn hảo với giá thấp cả, nên việc lựa chọn một bất động sản phù hợp với nhu cầu đầu tư của mình là điều hết sức cần thiết", ông Điệp chia sẻ thêm.
Ông David Jackson – Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam cũng nhận định rằng, có nhiều yếu tố khiến chúng ta tiếp tục lạc quan về thị trường. Theo ông David Jackson, về mặt chính sách, việc các cơ quan chức năng có những quyết sách cụ thể tiếp theo ra sao với việc siết tín dụng bất động sản sẽ có tác động quan trọng bậc nhất với những diễn biến của phân khúc căn hộ, nhà liền thổ và bất động sản nghỉ dưỡng. Các chính sách nhằm điều tiết dòng vốn "chảy" nhiều hơn vào các ngành sản xuất và hướng đến những người có nhu cầu ở thực nhằm giúp họ có được chốn an cư là hết sức quan trọng và cần thiết. Những chính sách như vậy sẽ từng bước khiến cho thị trường bất động sản cũng như nền kinh tế nói chung phát triển ổn định và bền vững hơn.
Các chính sách điều chỉnh này sẽ còn đảm bảo sự cân bằng giữa việc duy trì sự năng động của thị trường bất động sản, ngăn chặn nguy cơ hình thành "bong bóng" và đáp ứng nhu cầu thực có ý nghĩa lớn trong việc ổn định thị trường vĩ mô để tiếp tục hướng đến các mục tiêu chung cho toàn xã hội.
Còn Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE cho hay, nửa đầu năm 2022, thị trường bất động sản đã có sự phục hồi nhất định sau 2 năm chậm phát triển vì dịch COVID-19. Trong đó, thị trường chứng kiến sự nổi lên nhanh chóng của căn hộ cao cấp, trung cấp cùng với giá bán bất động sản liên tiếp lập đỉnh mới.
Dự báo về xu hướng đầu tư bất động sản trong nửa cuối năm 2022 và 3 năm tới, bà Dương cho rằng việc hình thành các đô thị và đại đô thị tại các khu vực vùng ven quy mô từ 70 ha trở lên sẽ trở nên phổ biến. Hiện tại, Hà Nội đang đi trước TPHCM khi phát triển rất nhiều đại đô thị nằm ngoài trung tâm. Tương tự đại đô thị, bất động sản nghỉ dưỡng cũng sẽ hình thành các đại dự án tổ hợp nghỉ dưỡng, phức hợp quy mô lớn, tích hợp vô số tiện nghi, tiện ích cho khách nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, với số lượng sản phẩm chào bán ra cũng rất lớn, mức tiêu thụ của thị trường nghỉ dưỡng vẫn là một dấu hỏi.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm