Thị trường hàng hóa
Thị trường bất động sản như nồi cháo đang sôi xong lại nguội
Trong báo cáo của các công ty nghiên cứu bất động sản đều chỉ ra rằng, thị trường bất động sản trong quý I/2023 tiếp tục trải qua giai đoạn trầm lắng, khi cả nguồn cung, lẫn thanh khoản thị trường đều xuống thấp.
Điều này dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp đã phải tuyên bố phá sản, ngay cả những “ông lớn” trên thị trường cũng đang rung lắc dữ dội.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2023, cả nước có khoảng 51.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 14,5% so với năm ngoái. Bình quân mỗi tháng có khoảng 25.700 doanh nghiệp phá sản.
Riêng trong ngành bất động sản, quý I/2023, số lượng doanh nghiệp bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể là 235 đơn vị, tăng 19,9% so với cùng kỳ. Số lượng tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 1.660 doanh nghiệp, tăng 57%. Như vậy tổng cộng có gần 1.895 đơn vị trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã rút lui khỏi thị trường.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Chí Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ và Địa ốc Đất xanh miền Bắc cho biết: Trong quý I/2023, chưa bao giờ người làm bất động sản “thấm” được sự cô đơn như thế này.
Trước đó, thị trường bất động sản Việt Nam tăng trưởng mạnh nhẽ, kéo theo sự tăng trưởng của các ngành liên quan tới bất động sản, nhất là ngành môi giới. Thế nhưng từ năm 2022 tới nay, không khí ảm đạm bao trùm toàn thị trường.
“Khi bão đến thì hầu như tất cả thành phần tham gia thị trường đều bị tổn thương. Và đến giờ phút này, những nhà môi giới chuyên nghiệp bảo tham gia thị trường cho vui thì hiện đã mất tăm”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, có thể thấy, hiện tại thị trường đang trải qua “bão”, khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà vơ đũa cả nắm, vẫn có một số doanh nghiệp đang có nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn.
“Biểu hiện thị trường hiện nay như một nồi cháo đang sôi xong lại nguội, do đó chúng ta đừng vơ đũa cả nắm. Trong lúc thị trường sủi thì chúng tôi vẫn bán được những sản phẩm phù hợp, ký được giao dịch với khách hàng, giao dịch thực vẫn có và vẫn diễn ra bình thường. Đây cũng là lúc những nhà đầu tư ở thực sẽ được quyền lựa chọn rất nhiều sản phẩm trên thị trường nhưng họ vẫn lựa chọn phân khúc đem lại giá trị thực”, ông Nghĩa nói.
Điểm tựa cho thị trường hồi phục
Trong Tọa đàm thường niên “Đánh giá triển vọng thị trường chung cư Hà Nội 2023 - 2025”, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng: Mới đây, Quốc hội, Chính phủ đã có loạt động thái tích cực nhằm vực dậy thị trường, trong đó có 4 quyết sách rất quan trọng.
Thứ nhất là Nghị định 08 tháo gỡ trái phiếu doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp bất động sản đáo hạn và bây giờ doanh nghiệp mới có cơ sở pháp lý để đã và đang đàm phán cùng trái chủ.
Thứ hai là Nghị quyết 33 cực kỳ toàn diện tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường hiện nay bao gồm ba nhóm vấn đề pháp lý, nguồn vốn và nhà ở xã hội.
Thứ ba là Đề án 338 về phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 - cơ sở pháp lý vững chắc để doanh nghiệp và địa phương phát triển nhà ở xã hội.
Cuối cùng là Nghị định số 10 cơ sở pháp lý chính thống cho bất động sản nghỉ dưỡng và du lịch, bây giờ condotel, officetel mới có cơ sở để cấp sổ đỏ.
“Tôi đánh giá rất cao chưa bao giờ trong một tháng có các quyết sách như vậy. Đây là những điểm nghẽn pháp lý chính của thị trường. Trên cơ sở đó, các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng cũng bắt đầu nhúc nhích rà soát lại các dự án vướng mắc để tháo gỡ. Thêm nữa, vừa rồi, tháng 11/2022, Chính phủ đã thành lập tổ công tác để tháo gỡ khó khăn vướng mắc các dự án trên cả nước”, ông Lực cho biết.
Một điểm đáng lưu ý nữa về chính sách là chưa bao giờ có cơ hội tuyệt vời để sửa đổi cùng lúc các luật liên quan đến thị trường bất động sản: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất Đai và Luật Tổ chức tín dụng như hiện tại.
Vấn đề thứ hai là nguồn vốn: Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ hai thị trường vốn cơ bản là thị trường trái phiếu và tín dụng ngân hàng. Sau khi có Nghị định 08, riêng tháng 3 vừa qua đã có 24.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành mới - trong đó hơn 80% là doanh nghiệp bất động sản cho thấy chính sách đã đi vào thực tế.
“Tôi cho rằng kênh trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn tốt hơn trong thời gian tới. Còn kênh tín dụng ngân hàng, năm nay Ngân hàng Nhà nước vẫn định hướng tăng trưởng tín dụng 14 - 15%”, ông Lực nói.
Tất cả những yếu tố này, TS Cấn Văn Lực kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường hồi phục và tăng trưởng trong thời gian tới.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm