Thị trường hàng hóa
Dự thảo Luật đất đai sửa đổi đã được Quốc hội thông qua. Cùng với 2 bộ luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản, hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản dần hoàn thiện. Đây được xem là nền tảng cơ bản cho một chu kỳ mới.
Thị trường đang chuyển mình, bước qua cánh cửa mới. Đây là thời điểm mà nhiều chuyên gia cho rằng mang lại nhiều cơ hội cho người mua và nhà đầu tư.
Với những yếu tố tạo nền tảng như: chính sách pháp lý dần hoàn thiện, lãi suất xuống thấp nhất trong 20 năm qua, thúc đẩy đầu tư hạ tầng mạnh mẽ, tín hiệu tích cực trở lại của giao dịch thị trường.
Lãi suất liên tục giảm ở mức thấp, cùng với các chính sách bán hàng mới đang kích thích giao dịch trở lại. Tại TP Hồ Chí Minh, thanh khoản đang được cải thiện khi một vài dự án đã được mở bán với tỷ lệ hấp thu khá cao, trung bình trên 80%.
Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao, CBRE Việt Nam - cho rằng: "Liên quan đến lãi suất mua nhà cũng như động thái của các chủ đầu tư khiến cho người mua nhà tiếp cận dễ dàng hơn với các sản phẩm, khiến niềm tin của người mua nhà đã dần quay trở lại. Và năm 2024 có thể coi là một năm "bản lề" để cho chúng ta thấy rằng, thị trường có những dấu hiệu phục hồi cả về nguồn cung, về giá cũng như tính thanh khoản và sức hấp thụ của thị trường".
Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tìm kiếm và mở rộng danh mục đầu tư bất động sản tại Việt Nam trong suốt hai năm qua khi thị trường giảm tốc. Việc hoàn thiện dần các chính sách pháp lý là yếu tố thu hút dòng vốn đầu tư vào bất động sản.
Khung quy định pháp lý, hành chính ngày càng hoàn thiện và các biện pháp ổn định thị trường bất động sản đã phần nào đem lại niềm tin cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, một số nút thắt pháp lý và tài chính kéo dài đã góp phần khiến giao dịch chậm lại. Năm 2024 tạo nền tảng để khi các luật và quy định mới đi vào thực tiễn từ năm 2025, thị trường sẽ bật lên một cách rõ rệt hơn.
Theo các chuyên gia, bên cạnh những yếu tố tích cực, thị trường bất động sản 2024 vẫn còn đối diện nhiều thách thức như: tốc độ xử lý pháp lý dự án vẫn còn chậm, nợ xấu, nợ trái phiếu… đòi hỏi nhiều giải pháp tháo gỡ.
Ngoài ra, lĩnh vực này còn chịu tác động của các yếu tố khách quan như: tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhu cầu tiêu dùng, tăng hoạt động sản xuất kinh doanh… Do đó, sự phục hồi của thị trường sẽ diễn ra không nhanh, nhưng "chậm và chắc", hướng đến sự minh bạch, là sân chơi của những doanh nghiệp có tiềm lực, uy tín và phục vụ nhu cầu thật.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm