Thị trường hàng hóa
Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG - sàn HoSE) vừa cho biết sản lượng bán hàng trong 7 tháng đầu năm nay đạt 546.800 tấn tôn mạ, tăng 28,6% so cùng kỳ và chiếm 17% thị phần cả nước. Trong đó, tiêu thụ qua kênh xuất khẩu đạt 402.800 tấn và tiêu thụ trên thị trường nội địa đạt 143.900 tấn, lần lượt tăng gần 30% và 25% so cùng kỳ năm ngoái.
Kết thúc quý 2 vừa qua, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu đạt hơn 5.660 tỷ đồng, tăng 2,9% và lợi nhuận sau thuế đạt 219,6 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2023. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ việc sản lượng tôn mạ tiêu thụ tăng và doanh thu tài chính tăng gấp 2,2 lần (đạt 113,6 tỷ đồng).
Lũy kế nửa đầu năm nay, doanh thu của Thép Nam Kim đạt hơn 10.951 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ và lãi sau thuế đạt gần 370 tỷ đồng, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Đánh giá về triển vọng kinh doanh nửa cuối năm nay, Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định hoạt động kinh doanh của Thép Nam Kim sẽ duy trì tích cực trong bối cảnh nhu cầu xây dựng và sản xuất ô tô tại châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục hồi phục. Thị trường châu Âu và Bắc Mỹ đang chiếm tới 70% tỷ trọng doanh thu xuất khẩu của Thép Nam Kim.
Bên cạnh đó, với việc Ủy ban Châu Âu (EC) vừa chính thức thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép HRC có xuất xứ từ 4 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Thép Nam Kim có thể hưởng lợi trực tiếp.
Do nguồn cung thép HRC đầu vào có giá thấp hơn vào thị trường EU bị hạn chế, sẽ khiến mặt bằng giá thép HRC tại đây neo cao như hiện nay hoặc làm chậm tốc độ giảm giá bán HRC ở đây so với các quốc gia khác. Từ đó, chênh lệch giá thép HRC giữa các khu vực sẽ gia tăng hơn, thúc đẩy biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam như Thép Nam Kim.
Đối với thị trường nội địa, thị trường xây dựng trong nước được kỳ vọng sẽ “ấm dần” khi các bộ luật mới về kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ tháng 8/2024, giúp tháo gỡ các vướng mắc tại các dự án bất động sản.
Xem thêm: "Hai vụ việc chống bán phá giá thép Trung Quốc dự kiến có kết luận trong tháng 8 - tháng 9/2024" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Ngoài ra sản lượng nội địa của Thép Nam Kim được kỳ vọng sẽ tăng lên nếu Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trước đó, vào ngày 14/6/2024, Bộ Công thương đã khởi xướng điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Thời kỳ điều tra để xác định hành vi bán phá giá (POI) 1/4/2023 - 31/3/2024.
Theo đánh giá sơ bộ của một số hãng chứng khoán, có hiện tượng bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ do tốc độ giảm giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc có xu hướng nhanh hơn so với giá bán trong nước trong giai đoạn POI và POI -1. Thị trường kỳ vọng thuế chống bán phá giá tạm thời sẽ được áp dụng vào cuối năm 2024 - đầu năm 2025.
Agriseco Research cũng ghi nhận triển vọng dài hạn của Thép Nam Kim từ việc mở rộng công suất. Thép Nam Kim đã bắt đầu triển khai giai đoạn 1 dự án Nam Kim Phú Mỹ từ quý 2/2024 với dự kiến hoàn thành vào quý 4/2025 hoặc quý 1/2026. Ban lãnh đạo kỳ vọng dự án sẽ đạt 100% công suất vào năm 2027, nâng tổng công suất của công ty lên 2 triệu tấn/năm.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm