Thị trường hàng hóa
Theo ghi nhận tình hình giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh thì giá trị khớp lệnh của HoSE chỉ đạt khoảng 5.850 tỷ đồng trong phiên ngày 28/12, là mức ghi nhận thấp nhất trong vòng hơn 2 năm trở lại đây.
Cụ thể thì trong phiên giao dịch này, thị trường vẫn có sự rung lắc nhẹ nhưng giá trị thanh khoản giảm mạnh, chỉ ở mức 5.850 tỷ đồng, giảm tới 9,1% so với phiên trước đó và cũng đồng thời là phiên có giá trị thanh khoản thấp nhất kể từ ngày 12/11/2020. Tức là HoSE đã chạm đáy thanh khoản trong vòng 25 tháng trở lại đây.
Nhiều ý kiến cho rằng diễn biến này chịu sự ảnh hưởng bởi tâm lý nghỉ ngơi của các nhà đầu tư trước khi bắt đầu kỳ nghỉ lễ, khiến cho thanh khoản của thị trường suy giảm. Lực cầu của nhà đầu tư tương đối dè dặt bởi nếu đặt mua thì cổ phiếu cũng không kịp về tài khoản để bán chốt lời trước kỳ nghỉ Tết dương lịch.
Ghi nhận trong một tuần trước đó, tình trạng ảm đạm của thị trường chứng khoán cũng đã bắt đầu diễn ra khi thanh khoản của HoSE liên tục giảm xuống dưới mức 10.000 tỷ đồng trong từng phiên. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là điều tương đối dễ hiểu bởi tâm lý của nhà đầu tư hầu như đều muốn chốt lời và thu tiền về phục vụ cho việc chi tiêu trong những dịp nghỉ lễ dài sắp tới.
Đối với nhiều doanh nghiệp thì đây cũng là thời điểm cần phải thu hồi nguồn tiền mặt để chi trả chi phí lương thưởng, thanh toán công nợ, nhập hàng tồn kho để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất trong năm tiếp theo. Do đó, cũng khó có thể hi vọng vào một nguồn tiền lớn đổ vào thị trường chứng khoán trong giai đoạn cuối năm này.
Một lý do nữa được đưa ra là bởi trong thời điểm này, các doanh nghiệp đều đang chưa bước vào mùa báo cáo tài chính. Các thông tin tài chính từ Quý 3 trước đó hiện tại đều đã trở nên lỗi thời và khó có thể phản ánh được đúng tình trạng của doanh nghiệp khiến cho giới đầu tư e ngại hơn trong các quyết định của mình.
Để thị trường có thể trở nên sôi động trở lại, có lẽ phải chờ tới khi bước vào mùa báo cáo tài chính tiếp theo, khi mà thông tin về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán được phản ánh đầy đủ nhất thì các nhà đầu tư mới có thể mạnh dạn ra quyết định.
Về các dự báo đối với thị trường trong năm 2023 tới đây, nhiều chuyên gia tỏ ra lạc quan với thị trường và cho rằng thời điểm khó khăn nhất của dòng tiền đã qua. Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho rằng dòng tiền trên thị trường chứng khoán sẽ bớt căng thẳng hơn nhờ vào việc tỷ giá và lạm phát đang dần được ổn định trở lại.
Cùng với đó là nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế đang được NHNN thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Sự tắc nghẽn hiện vẫn nằm ở khả năng thanh khoản trung và dài hạn của các lô trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này sẽ cần nhiều thời gian hơn để giải quyết.
Ở chiều ngược lại, VCBS lại tỏ ra khá thận trọng với thanh khoản của thị trường bởi mặt bằng lãi suất có thể duy trì ở mức cao. Thêm vào đó, FED nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục cuộc đua tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát trong năm 2023 khiến cho áp lực tỷ giá giữa VNĐ và USD tiếp tục gia tăng gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Theo ước tính của VCBS thì mức thanh khoản trung bình của năm 2023 sẽ tương đương với mức bình quân trong những tháng cuối năm 2022, là khoảng 600-650 triệu cổ phiếu trên mỗi phiên, giảm khoảng 20-25%. Theo đó, giá trị giao dịch của VN-Index cũng sẽ giảm khoảng từ 35-45% so với năm 2022 với giá trị giao dịch trung bình khoảng 12.000 - 14.000 tỷ đồng/phiên.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm