Thị trường hàng hóa
Theo cập nhật mới đây của Chứng khoán Rồng Việt, sản lượng tiêu thụ nội địa của toàn ngành tôn mạ Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay đạt hơn 1,52 triệu tấn, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực miền Nam tiếp tục dẫn đầu về sản lượng tiêu thụ, chiếm 60,4% tổng sản lượng tiêu thụ cả nước, tương đương 922.951 tấn. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chứng khoán Rồng Việt, khu vực phía Bắc đang có xu hướng tăng trưởng tiêu thụ tốt hơn (tăng gần 22% so với cùng kỳ), nhờ vào sự phục hồi của ngành bất động sản tương đối tốt so với thị trường trong Nam.
Đối với thị trường xuất khẩu, sản lượng xuất khẩu của toàn ngành tôn mạ Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay đã tăng tới 48% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,15 triệu tấn. Trong đó, 03 thị trường trọng điểm là khu vực ASEAN (tăng 26,1%), EU (tăng 25,3%), và Mỹ (tăng 14,5%).
Xét về thị phần, Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG) đang giữ vững vị trí dẫn đầu trên cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Cụ thể, đối với thị trường nội địa, tập đoàn này đang chiếm đến 34% thị phần khu vực phía Bắc và miền Trung, và 21% thị phần khu vực phía Nam, tăng 0,5% về thị phần trong 8 tháng đầu năm nay.
Trong khi đó, thị phần nội địa của các doanh nghiệp theo sau là của Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (GDA) ở mức 14,7%, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (NKG) ở mức 10,7%, và Tập đoàn Hoà Phát (HPG) chỉ đạt 8,1%, theo dữ liệu của Chứng khoán Rồng Việt.
Đối với kênh xuất khẩu, sản lượng xuất khẩu của Tập đoàn Hoa Sen trong 8 tháng vừa qua đạt hơn 651.700 tấn. Con số này cao hơn đáng kể so với mức 458.300 tấn của Thép Nam Kim và mức 363.800 tấn của Tôn Đông Á. Đồng thời, so với cùng kỳ năm 2023, tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của Tập đoàn Hoa Sen lên tới 54%, so với mức tăng 28% của Thép Nam Kim và mức tăng 27% của Tôn Đông Á.
Dựa trên điều kiện thị trường hiện tại, Chứng khoán Rồng Việt dự báo, sản lượng tiêu thụ tôn mạ nội địa cả năm nay có thể đạt 2,3 triệu tấn và sản lượng xuất khẩu ước đạt 2,9 triệu tấn, lần lượt tăng 11% và 30% so với năm 2023. Tương ứng trong quý 4, sản lượng nội địa và xuất khẩu lần lượt đạt 600.000 tấn và 587.000 tấn.
Xem thêm: "Thị trường thép Trung Quốc dần tạo đáy, giá thép Việt Nam kỳ vọng tăng trở lại từ quý 4" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Theo đó, Tập đoàn Hoa Sen được nhận định sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi chính nhờ vị thế dẫn đầu tại tất cả các thị trường. Đồng thời, thị trường bất động sản, đặc biệt là tại khu vực phía Bắc, đang phục hồi tích cực. Đây cũng là khu vực mà Tập đoàn Hoa Sen đang chiếm thị phần vượt trội.
Bên cạnh đó, Chứng khoán Rồng Việt còn lưu ý, mức độ phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu của Tập đoàn Hoa Sen đang giảm dần khi cơ cấu doanh thu xuất khẩu trong 2 tháng gần đây đã xuống dưới 60% tổng doanh thu của tập đoàn này. Qua đó, mức độ ảnh hưởng do biến động chênh lệch giá thép giữa các thị trường lên biên lợi nhuận gộp của tập đoàn này cũng sẽ giảm xuống.
Với việc giá HRC Trung Quốc đã có tín hiệu tạo đáy và hồi phục trở lại, giá các sản phẩm thép tại Việt Nam dự kiến sẽ được cải thiện, từ đó thúc đẩy biên lợi nhuận trên thị trường nội địa của các doanh nghiệp tôn mạ, bao gồm Tập đoàn Hoa Sen.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm