Thị trường hàng hóa
Tập đoàn năng lượng Engie (Pháp) vừa cho biết nguồn cung khí đốt từ tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) sẽ bị giảm kể từ ngày 30/8 do các tranh chấp trong hợp đồng giữa hai bên. Tập đoàn Engie không công bố thêm các thông tin chi tiết nhưng khẳng định “đã tích trữ đủ lượng khí đốt cần thiết để đảm bảo nguồn cung cho khách hàng”, cũng như “đưa ra một số biện pháp giảm thiểu tác động của việc gián đoạn nguồn cung từ Gazprom”.
Hiện chưa rõ lượng khí đốt mà Gazprom dự định cắt giảm đối với Engie là bao nhiêu. Theo hãng tin Reuters (Anh), lượng khí đố mà Gazprom cung cấp cho Engie trong thời gian gần đây quy đổi điện đạt khoảng 1,5 TWh/tháng. Trong năm ngoái, lượng khí đốt của Gazprom chiếm đến 20% tổng lượng khí đốt mà Engie mua từ các đối tác bên ngoài. Trên thực tế, lượng khí đốt của Nga chuyển tới Pháp đã giảm mạnh kể từ khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra hồi tháng 2.
Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnes Pannier Runacher cho rằng “Nga đang sử dụng khí đốt như một vũ khí và Pháp phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là nguồn cung khí từ Nga bị gián đoạn hoàn toàn”.
Dữ liệu của Reuter cho thấy mặc dù nguồn cung khí đốt từ Nga đáp ứng đến 17% tổng nhu cầu sử dụng của Pháp trong các năm trước đây nhưng Pháp không phụ thuộc nhiều vào nguồn cung này để vận hành các cơ sở công nghiệp như trường hợp của Đức. Pháp được cho là đã lấp đầy 90% kho dự trữ khí đốt chiến lược cho mùa Đông tới đây.
Tuy nhiên, trong bối cảnh sản lượng điện từ các nhà máy điện hạt nhân vốn chiếm 70% sản lượng điện tại Pháp và thủy điện giảm sút do vấn đề khí hậu, việc nguồn cung khí từ Nga bị cắt giảm sẽ làm trầm trọng hơn nguy cơ thiếu hụt năng lượng, từ đó đẩy giá điện và lạm phát ở Pháp tăng cao.
Trong ngày 29/8, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã hối thúc các chủ doanh nghiệp giảm tiêu thụ năng lượng và cảnh báo về nguy cơ áp dụng chính sách phân bổ điện theo định mức. Tập đoàn Engie hiện cũng đang đàm phán với một số đối tác khác, bao gồm Algeria, về khả năng tăng cường hợp tác cung cấp khí đốt nhằm thay thế nguồn cung từ Nga.
Trước đó, vào ngày 16/8, tập đoàn Gazprom cảnh báo giá khí đốt tại châu Âu có thể tăng 60% so với mức hiện tại, lên hơn 4.000 USD/1.000 m3 vào mùa Đông năm nay do hoạt động xuất khẩu và sản xuất của tập đoàn này tiếp tục giảm giữa bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây vẫn tiếp diễn.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm