Thị trường hàng hóa
Theo báo cáo “Chuyển đổi nông nghiệp xanh của Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố năm 2022, bên cạnh những giải pháp về xúc tiến thương mại, marketing, quảng bá tiếp cận thị trường quốc tế, thì hệ thống logistics và lưu trữ bảo quản đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chuỗi giá trị hàng nông sản Việt Nam.
Tuy nhiên, tại tọa đàm “Nâng cao chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu - gắn kết hiệu quả với hệ thống logistics" ngày 23/6, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T cho biết, chi phí logistics nông sản tại Việt Nam đang rất cao, chiếm 20-25% giá trị hàng hóa, trong khi đó, tỷ lệ này ở Thái Lan là 12% và thế giới là 14%.
“Nông sản của các nước khác có thể không hơn Việt Nam về chất lượng nhưng họ hơn về giá thành. Chỉ riêng chi phí logistics, giá thành sản phẩm của chúng ta đã nhiều hơn các thị trường khác mười mấy %. Như vậy rất khó để cạnh tranh”, ông Tùng nhận định.
Theo các doanh nghiệp chia sẻ, riêng giá cước vận tải từ Bangkok đến các thị trường quốc tế đã thấp hơn so với từ Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh ít nhất từ 1-2 USD/kg. Điều này làm cho nông sản Việt khó có thể “lấn át” nông sản Thái trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, chi phí tại cảng và các khoản phụ phí vẫn còn cao. Đến nay, Việt Nam vẫn không có đội bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt phục vụ cho các sản phẩm nông nghiệp, nên chi phí vận chuyển bằng đường hàng không cao hơn nhiều so với các nước lân cận như Campuchia, Thái Lan...
Mặc khác, ưu thế về đường bộ của nước ta hoàn toàn không thể cạnh tranh với các nước khác trong khu vực. Hệ thống cao tốc vẫn bị kẹt xe tại các nút giao, điểm nghẽn. Hệ thống kho bãi manh mún, cơ sở chế biến nông sản còn thiếu, quy mô nhỏ. Chuỗi kho mát, kho lạnh phục vụ cho nông sản hạn chế. Rau quả xuất khẩu phải có những kho riêng, phương tiện vận chuyển riêng nhưng hiện chúng ta vẫn chưa có, vẫn thực hiện cùng với các loại nông sản khác. Chính vì vậy, hao hụt, tổn thất sau thu hoạch rất cao, lên tới 30-35%.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: "Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất cả nước, đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu; 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây xuất khẩu... Nhưng hầu hết hàng nông sản phải vận chuyển qua nhiều địa điểm và đưa lên TP.Hồ Chí Minh để xuất đi nơi khác, khiến chi phí vận tải doanh nghiệp gánh cao hơn từ 10-40%, tùy theo từng chuyến, ảnh hưởng rất lớn đến sự cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường".
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long – vùng có nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực, giá trị cao của Việt Nam hiện chỉ có 1.461 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chiếm khoảng 4,39% số lượng doanh nghiệp logistics của cả nước, trong đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp rất hạn chế. Phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu phải trung chuyển qua các cảng Cát Lái (TP.Hồ Chí Minh) và cảng Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) gây tốn nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường.
“Có thể thấy, chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản đang là một nút thắt, cản trở sự tăng trưởng kinh tế của vùng, cần có những giải pháp kịp thời. Trong đó, cần sớm có phương án chính sách và mô hình hiệu quả, phát triển hệ thống hạ tầng; đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế; kết nối chuỗi cung ứng toàn diện cho nông sản Việt Nam từ sản xuất, thu hoạch cho đến thông quan xuất khẩu, hướng tới tối ưu hóa chi phí logistics, tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản, tạo đầu ra bền vững cho nông sản của vùng”, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh.
Trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất cần có quy hoạch xây dựng các trung tâm logistics nông sản, trong đó có kho mát để phân loại, bảo quản, sơ chế giúp nâng cao chất lượng và ổn định giá thành. Đồng thời tăng cường đầu tư hạ tầng đồng bộ cho hàng hoá nông sản, nhất là các vùng nông sản tập trung, chủ lực. Kết nối đường thuỷ - đường bộ - đường sắt phát huy sức mạnh tổng thể logistics nội địa.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa đầu tư cơ sở hạ tầng vận tải đường bộ kết nối từ các vùng nguyên liệu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để người nông dân, các hợp tác xã có cơ hội đưa sản phẩm nông nghiệp đến các thị trường xuất khẩu với chất lượng tốt nhất.
Cùng với đó, bản thân các doanh nghiệp logistics nên áp dụng công cụ quản lý tiên tiến trong công nghệ 4.0: AI, Big Data, Blockchain… giúp giảm chi phí, tăng hiệu suất kinh doanh; xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng logistics đa phương thức và toàn diện.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm