Thị trường hàng hóa
Hàng hóa ế ẩm
Chị Nguyễn Thị Thanh kinh doanh gia cầm từng khá đắt khách ở chợ Châu Long (Hà Nội) cho biết, cả tháng nay, mỗi buổi chợ, chị chỉ mang khoảng chục con gà, vịt tới bán, giảm 40% so với trước Tết và giảm 50 - 60% so với trước dịch.
Cũng cảnh ế ẩm, một tiểu thương có gần 40 năm bán thịt lợn tại chợ Hôm Đức Viên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, lượng hàng bán ra mỗi ngày chỉ bằng 1/5 so với trước dịch. Thời “hoàng kim”, mỗi ngày chị Minh bán 5 con lợn, khách hàng lớn có tới gần 20 nhà hàng, chưa kể khách lẻ. Khi dịch Covid-19 xảy ra, lượng bán ít dần. Chị cứ nghĩ hết dịch, tình hình sẽ cải thiện, nhưng năm nay khách càng vắng hơn.
Mặc dù đã qua Tết hơn một tháng rưỡi nhưng anh Nguyễn Văn Tuấn (Kim Giang, Hà Nội) vẫn chưa dọn hàng để bán quần áo. Anh Tuấn cho biết, ra Tết anh cũng đã dọn hàng 5 hôm nhưng quá ế ẩm, có ngày chỉ bán được 1 bộ quần áo, có hôm không nên anh buộc đóng cửa để tiết kiệm chi phí điện, nước… “Chưa bao giờ cửa hàng quần áo lâm vào cảnh ế ẩm như hiện nay. Người tiêu dùng giảm nguồn thu nên buộc phải cắt giảm chi tiêu”, anh Tuấn ngán ngẩm nói.
Nhà bán lẻ WinMart/WinMart+ đánh giá, năm 2023 dự báo sẽ là một năm nhiều khó khăn của nền kinh tế, trong đó có hoạt động bán lẻ. Những tháng đầu năm, nhất là cao điểm mua sắm Tết, WinMart/WinMart+ ghi nhận lượng người mua tăng so với cùng kỳ năm 2022 nhưng giá trị giỏ hàng giảm đáng kể.
Tương tự, đại diện hệ thống siêu thị BRG đánh giá, thói quen tiêu dùng đã có những thay đổi, mua số lượng nhỏ nhiều hơn là mua số lượng lớn. Xu hướng giảm sút ở kênh bán hàng trực tiếp đã xuất hiện nhưng chưa quá rõ rệt. Thực tế, những khó khăn về kinh tế đã tác động đến sức mua của người tiêu dùng. Chị Hòa (Cầu Giấy) cho biết, mấy năm dịch bệnh với thu nhập bấp bênh đã rèn cho chị thói quen chi tiêu tiết kiệm. Năm nay, thu nhập vẫn chưa có gì khả quan nên mọi chi tiêu càng phải tính toán kỹ lưỡng.
Giảm chi phí, tăng khuyến mại, khơi dậy thị trường
Các chuyên gia nhận định, diễn biến phức tạp trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế. Đối với các doanh nghiệp, áp lực lớn nhất là chi phí đầu vào "leo thang" 2 năm qua. Bình quân 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Giá cả cao cùng những biến động về kinh tế đã ảnh hưởng tới khả năng chi trả thực tế của nhiều người. Người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, giảm hoặc không mua hàng hóa không cần thiết, chọn mua hàng có giá rẻ hơn, chuyển sang kênh mua bán trực tuyến với giá “mềm” hơn...
Nhiều siêu thị cũng cho biết, nỗ lực tiết giảm chi phí phát sinh trong chuỗi cung ứng, từ khâu đàm phán giá với đối tác cho đến khi sản phẩm tới tay người tiêu dùng, với kỳ vọng tăng mãi lực tiêu dùng. Những hộ kinh doanh cũng tính toán cắt giảm tối đa chi phí, không tăng giá bán, đa dạng mặt hàng hay sơ chế sẵn thực phẩm giúp thuận tiện cho người mua, đẩy mạnh bán hàng qua Zalo, giao hàng tận nhà miễn phí… để giữ khách hàng và thoát khỏi tình cảnh ế ẩm.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm