Thị trường hàng hóa
Sức mua giảm, doanh nghiệp gặp khó
Kinh tế năm 2023 được nhận định sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, do đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ cũng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 ở mức kém tích cực hơn so với năm 2022. Đặc biệt, hàng loạt doanh nghiệp hiện đang "than trời" khi đối diện với khủng hoảng từ việc người dùng thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua sắm.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Thế giới số (Digiworld, HoSE: DGW), sức mua thị trường giảm cộng với nền tăng trưởng cao năm 2022 có thể khiến kết quả kinh doanh quý I/2023 của công ty này sụt giảm so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh đó, riêng quý I/2023, Digiworld dự kiến doanh thu thuần đạt 4 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận ròng đạt 130 tỷ đồng, tương ứng giảm 43% và 38% từ mức nền cao so với cùng kỳ năm trước.
"Khó khăn chung của thị trường được dự đoán sẽ tiếp diễn ít nhất đến giữa năm 2023 nếu người tiêu dùng vẫn có xu hướng thắt chặt chi tiêu, sức cầu với các mặt hàng không thiết yếu đi xuống đáng kể. Trong quý I và II/2023, công ty dự kiến kinh doanh khó khăn. Chúng tôi kỳ vọng, nửa cuối năm 2023 sẽ tốt hơn" - đại diện Digiworld nhận định.
Trong báo cáo mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng dự báo doanh thu ngành công nghệ thông tin (ICT) trong nửa đầu năm 2023 sẽ duy trì ở mức thấp. Dự báo này được đưa ra sau khi đơn vị này chứng kiến kết quả kinh doanh quý IV/2022 thấp hơn kỳ vọng và dự đoán thị trường bán lẻ năm 2023 sẽ có diễn biến khó lường, khó khăn có thể kéo dài đến giữa năm, thậm chí là hết năm.
“Với kết quả kinh doanh quý IV/2022 thấp hơn kỳ vọng, BVSC điều chỉnh giảm dự báo doanh thu mảng ICT trong 2023. BVSC hiện dự báo doanh thu điện thoại di động 2023 giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước xuống 109,4 nghìn tỷ đồng từ mức 113,9 nghìn tỷ trước đây. Đồng thời, dự báo doanh thu laptop 2023 giảm 12,6% xuống 15.570 tỷ đồng”, báo cáo của BVSC cho biết.
Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) mới đây vừa công bố kế hoạch doanh thu thuần năm 2023 đạt khoảng 135 – 150 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4,2 – 4,7 nghìn tỷ đồng, không cao hơn bao nhiêu so mức tối thiểu với con số thực hiện trong năm 2022.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của MWG cho thấy lợi nhuận sau thuế trong quý này của công ty chỉ đạt 619 tỷ đồng, giảm tới hơn 60% so với cùng kỳ. Thậm chí, tình trạng kinh doanh ảm đạm còn kéo dài sang quý I/2023.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG nhận định, năm 2023 khó có thể là một năm khởi sắc. Do đó, nhanh nhất là tới quý III thị trường bán lẻ tại Việt Nam mới có thể xuất hiện những dấu hiệu tích cực, muộn hơn có thể đến quý IV.
Cơ hội mới cho các nhà bán lẻ
Trước bối cảnh hiện nay, mặc dù triển vọng ngành bán lẻ không mấy khả quan nhưng theo nhiều chuyên gia, đây có thể là cơ hội cho các nhà bán lẻ có dòng tiền ổn định lấy thêm thị phần từ các nhà bán lẻ trực tuyến và các nhà bán lẻ có quy mô nhỏ đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Theo tổng cục Thống kê, trong hai tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước có quy mô cao hơn. Thị trường bán lẻ đang dần bắt kịp tốc độ tăng so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid, ước đạt 994.153 tỷ đồng, tăng 13 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, Việt Nam hiện đang được xem là thị trường trọng yếu để mở rộng quy mô đối với nhiều thương hiệu thời trang, mỹ phẩm và đồ thể thao ở Châu Á.
Cũng theo Bộ Công Thương, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội GDP.
Do đó, dù kinh tế năm 2023 được nhận định là đối mặt với nhiều khó khăn nhưng dự báo đây sẽ là năm phục hồi của ngành bán lẻ sau dịch Covid-19. Nhiều tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ khôi phục, thậm chí mở rộng hệ thống và thị trường kinh doanh. Sức mua của người tiêu dùng được dự kiến tăng, là yếu tố quan trọng để ngành bán lẻ sôi động và tăng trưởng mạnh mẽ và là cơ hội cho các nhà đầu tư.
Đón đầu cơ hội năm 2023, Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan Central Retail Corporation (CRC) công bố khoản đầu tư lớn nhất, trị giá 50 tỷ baht (1,45 tỷ USD) vào Việt Nam giai đoạn 2023-2027.
Theo CRC, Việt Nam là một thị trường tiềm năng cao và tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục. Công ty đã đặt ra lộ trình 5 năm để tiếp tục mở rộng, phân bổ 50 tỷ baht.
Trong đó, CRC sẽ đầu tư khoảng 6 tỷ baht ngay trong năm 2023. CRC có tham vọng đưa Central Retail Việt Nam trở thành nhà bán lẻ số 1 về thực phẩm và số 2 về bất động sản (chủ yếu là trung tâm thương mại) ở Việt Nam vào năm 2027.
Nằm trong top những nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam, hiện tại, Central Retail Việt Nam có hơn 340 cửa hàng với tổng diện tích sàn hơn 1,2 triệu m2 trên 40 tỉnh, thành phố. Theo kế hoạch mở rộng, Central Retail Việt Nam đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600 trên 57 trong số 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam vào năm 2027, với tổng diện tích sàn dự kiến đạt 2 triệu m2.
Nhiều kênh bán lẻ khác cũng dự kiến tăng đầu tư vào thị trường Việt Nam. Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đang lên kế hoạch từ nay đến năm 2025 triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3-4 dự án tại Hà Nội; đồng thời sẽ ra mắt các mô hình bán lẻ mới.
Riêng WinCommerce, bên cạnh việc duy trì 3.400 siêu thị và cửa hàng tiện ích tại 62 tỉnh, thành phố, đặt mục tiêu mở 800 – 1.200 cửa hàng, tập trung vào mô hình minimart, mini mall ở khu vực thành thị, nông thôn.
Đơn vị này cũng dự kiến sẽ đạt doanh thu thuần khoảng 36.000-40.500 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 23% đến 38% so với năm 2022.
Trong khi đó, Tập đoàn THACO, sau khi mở thêm siêu thị Emart Sala (TP. Thủ Đức), Thiso Retail (thuộc THACO) đặt mục tiêu mở tiếp 20 siêu thị Emart trong 5 năm tới, doanh thu đến năm 2026 dự kiến là 1 tỷ USD.
Ngoài kênh bán hàng trực tiếp, Emart Việt Nam cũng sẽ chú trọng và đầu tư vào ứng dụng mua sắm trực tuyến, vận hành hệ thống lấy hàng tự động, giao hàng đến người mua trong vòng 1 giờ trong bán kính 5km.
Không bỏ lỡ cuộc chơi, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) cũng dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới cửa hàng để giành thêm thị phần, đặc biệt là ở các khu vực cấp 3, nơi mà sự hiện diện của thương mại hiện đại còn hạn chế. Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI dự báo PNJ sẽ mở thêm 20 cửa hàng mới trong giai đoạn 2023-2024.
Về dài hạn, PNJ có thể phát triển theo hướng giành thị phần từ các nhà bán lẻ không có thương hiệu (hiện chiếm khoảng 40% tổng thị trường) và chi tiêu cho trang sức có thể tiếp tục tăng cùng với thu nhập khả dụng.
Thực tế cho thấy, những thách thức từ các nhà bán lẻ nước ngoài đang thôi thúc các doanh nghiệp Việt tìm hướng mới để cạnh tranh. Hiện, Chính phủ cũng có nhiều chính sách về vốn, đầu tư mạnh hơn cho hạ tầng thương mại… góp phần thúc đẩy doanh nghiệp bán lẻ nội địa phát triển.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm