Thị trường hàng hóa
Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy số lần tăng lãi suất do các Ngân hàng Trung ương trên thế giới công bố đã ở mức cao nhất kể từ năm 1970. Trong đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 21/9 đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong năm nay, đưa lãi suất của nền kinh tế lớn nhất thế giới lên khoảng 3 - 3,25%.
Cùng với Fed, các Ngân hàng Trung ương của nhiều nước, trong đó có Indonesia, Na Uy, Philippines, Nam Phi, Thụy Điển, Thụy Sĩ , Anh, Việt Nam… cũng đồng loạt thông báo về việc tăng lãi suất. Giới phân tích cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế theo đà tăng lãi suất trên toàn cầu đang gia tăng.
Gần đây nhất ngày 26/9, đồng bảng Anh trượt dốc giảm 4%, xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 1,0382 USD đổi một bảng Anh. Giá đồng bảng Anh giảm sau khi thông báo của Chính phủ nước này về việc cắt giảm thuế và khuyến khích đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng được công bố vào tuần trước.
Các đồng nội tệ khác cũng đang suy yếu so với USD khi lãi suất ở Mỹ tiếp tục tăng. Hai trong số những đồng tiền quan trọng nhất của châu Á là đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng yên Nhật Bản cũng lung lay, bởi so với Mỹ hai nền kinh tế này đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng hơn.
Ông Steve Forbes, Chủ tịch Forbes Media, cho biết gần như không có Ngân hàng Trung ương nào hiện nay nói về việc các biện pháp duy trì ổn định tiền tệ. Nhiều nhà kinh tế học và các nhà hoạch định chính sách đang mắc kẹt trong tư duy chỉ biết đối phó với cơn bão lạm phát bằng việc tăng lãi suất mà không nhìn xa hơn, chẳng hạn như thực hiện các bước hỗ trợ tiền tệ.
Vào thập niên 1980, sau khi Chủ tịch Fed Paul Volcker đẩy mức lãi suất lên hơn 20% để kiềm chế lạm phát, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã ổn định nền kinh tế và tăng sản lượng bằng cách cắt giảm thuế và bãi bỏ nhiều quy định. Cùng lúc đó, Mỹ đã điều phối các nỗ lực toàn cầu để bán USD và mua các loại tiền tệ khác.
Vị chuyên gia của Forbes Media cho rằng việc chấp nhận nền kinh tế suy thoái không phải là giải pháp duy nhất để chống lạm phát. Hiện không chỉ chính quyền Tổng thống Biden đang đặt ra những trở ngại, mà các Ngân hàng Trung ương khác cũng cho rằng họ phải làm suy giảm nền kinh tế để hạ nhiệt lạm phát.
Phương pháp này gần như không thể “chữa trị” lạm phát thực sự. Steve Forbes khẳng định, cách đối phó lạm phát thực sự là ổn định tiền tệ. Bởi sự mất cân bằng tiền tệ có thể tạo ra nhiều vấn đề cho các nền kinh tế.
Kể từ khi đồng USD tăng cao hơn giá hàng xuất khẩu từ Mỹ đã đắt đỏ hơn. Trong khi đó các đồng tiền khác lại yếu hơn khiến dự trữ ngoại hối của các nền kinh tế bị thu hẹp.
Chủ tịch Forbes Media đề xuất sử dụng vàng để ổn định tiền tệ, vì vàng giữ giá trị ổn định hơn bất kỳ thứ gì con người tìm thấy trong hơn 4.000 năm qua. Các nền kinh tế có thể neo đồng USD với vàng để đồng USD có giá trị cố định.
Sau khi chế độ bản vị vàng Bretton Woods (Chế độ bản vị vàng là cơ chế quy định giá trị tiền của một quốc gia được đảm bảo 100% bởi vàng) được công bố vào thập niên 1940, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã cao hơn rất nhiều. Khi đó, đồng USD được cố định với vàng và các đồng tiền khác được cố định với đồng USD. Tuy nhiên, hệ thống Bretton Woods chỉ kéo dài cho tới năm 1971.
Đồng quan điểm, bà Janet Henry, Nhà kinh tế trưởng của HSBC, cho biết sẽ không có gì ngạc nhiên nếu đồng bảng Anh tiếp tục giảm xuống dưới mức 1,0382 USD đổi một bảng Anh và tỷ giá có thể sẽ không giữ được ở mức đó. Do vậy, các Ngân hàng Trung ương phải thực hiện các chính sách nhiều hơn nữa nhằm ổn định tình hình. Các ngân hàng dường như đang đợi đến cuộc họp tiếp theo để đưa ra hành động quyết tâm bằng cách lại tăng lãi suất mạnh mẽ.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm