Thị trường hàng hóa
Theo khảo sát, trong năm 2022 nhóm cổ phiếu thủy sản đã giảm 13% trong khi VN-Index giảm 33%. Tháng 6/2022, định giá ngành đã cải thiện 50% với lợi nhuận đạt đỉnh trong quý II/2022. Tuy nhiên, cổ phiếu nhóm ngành này đã giảm giá khi tăng trưởng lợi nhuận hàng quý giảm tốc.
Theo thống kê hết năm 2022, cổ phiếu VHC (Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn) tăng 14,1%; cổ phiếu MPC (Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú) giảm 11,8%; cổ phiếu FMC (Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta) giảm 36%; cổ phiếu ANV (Công ty Cổ phần Nam Việt) giảm 30% và Cổ phiếu IDI (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia IDI) giảm 27%...
Về định giá ngành, 10 năm qua, mức P/E trung bình của các cổ phiếu trong ngành thủy sản là 8 lần. Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư sẵn sàng bỏ 8 đồng để đổi lấy một đồng lợi nhuận từ cổ phiếu ngành thủy sản.
Đáng chú ý, mức định giá toàn ngành thấp nhất trong lịch sử là 4 lần trong giai đoạn 2010, 2011, 2018. Đặc biệt, trong năm 2022, mức định giá toàn bộ ngành đã bị giảm từ 15 lần vào đầu năm xuống 5 lần do tăng trưởng thu nhập yếu. Theo dự kiến, mức giảm này có thể thấp hơn nữa trong thời gian tới khi các công ty có thể ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận âm cho đến năm 2023.
Trong năm 2023, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD, giảm 9% so với năm 2022. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối diện với lạm phát cao, nguy cơ suy thoái, sức cầu giảm, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, có thể doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ bị ảnh hưởng.
Theo SSI Research, định giá P/E nhóm cổ phiếu thủy sản có thể giảm về mức 4 lần cho đến Quý III/2023, do lợi nhuận dự kiến giảm so với mức cơ sở cao của năm 2022. Dự báo, lợi nhuận sẽ giảm mạnh nhất trong Quý II/2023, sau đó định giá cổ phiếu có thể dần phục hồi về mức P/E trung bình trong lịch sử của ngành là 8 lần, khi hàng tồn kho tại các nhà bán buôn đã được xử lý hoàn toàn.
Theo SSI Research, việc Trung Quốc mở cửa trở lại là chất xúc tác cho ngành thủy sản năm 2023, nhưng cần thêm thời gian để đánh giá tác động cụ thể. Ngành cá tra được dự báo hưởng lợi nhiều nhất, vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.
Doanh thu từ thị trường Trung Quốc được kỳ vọng sẽ bù đắp một phần khả năng suy giảm doanh thu từ thị trường Mỹ và EU. Tuy nhiên, giá bán sang thị trường Trung Quốc thường ở mức thấp so với thị trường Mỹ, nên sự bù đắp về đơn hàng khó có thể bù đắp về lợi nhuận cho các doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2023.
Cũng theo SSI Research, chi phí thức ăn thủy sản trong năm nay sẽ giảm, nhưng giá bán thủy sản bình quân có thể giảm 20 - 30% so với năm ngoái. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhu cầu yếu trong nửa đầu năm và nguồn cung không thiếu hụt đối với tôm và cá nguyên liệu.
Với sự cộng hưởng của các yếu tố trên, tỷ suất lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thủy sản sẽ giảm. Bên cạnh đó, việc lãi suất tăng sẽ khiến chi phí tài chính tăng, dẫn đến "ăn mòn" lợi nhuận ròng của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vay nợ nhiều.
Theo một số chuyên gia, trong năm 2023, ngành thủy sản sẽ không còn ở giai đoạn đỉnh cao chu kỳ tăng như đầu năm 2022. Trung Quốc mở cửa sẽ là thông tin đáng theo dõi nhất đến triển vọng phục hồi của nhóm thủy sản. Tuy nhiên, nhóm ngành này khó bứt phá lên vùng đỉnh như năm 2022.
Tuy nhiên, các cơ hội đầu tư có thể xuất hiện với các mã cổ phiếu của doanh nghiệp trong ngành có thể hưởng lợi từ sự kiện này. Cụ thể như: cổ phiếu ANV của Công ty Cổ phần Nam Việt; Cổ phiếu VHC (Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn); Cổ phiếu FMC (Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta)...
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm