Thị trường hàng hóa
Bất động sản Hà Nội hưởng lợi từ quy hoạch sông Hồng
Xét về khoảng cách địa lý, thị trường bất động sản tại các quận huyện phía Đông Hà Nội như Long Biên, Gia Lâm hay Đông Anh khá gần trung tâm thành phố, thế nhưng, so với các khu vực khác, nhất là phía Tây, như Hoài Đức, Đan Phượng, thậm chí xa hơn nữa là Thạch Thất, khu Đông vẫn phát triển vẫn chưa xứng tầm.
Theo lý giải của giới chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến việc thị trường bất động sản phía Đông Hà Nội kém sức hút hơn khu vực phía Tây, là do hạ tầng khu vực này vẫn chưa thực sự phát triển đồng bộ.
Nhất là khu Đông bị giới hạn rất lớn liên quan tới sông Hồng, muốn qua khu vực này phải đi qua cầu. Hầu hết các cây cầu vượt sông Hồng đang trong tình trạng quá tải.
Dù vậy, phía Đông Hà Nội đang có rất nhiều dư địa phát triển trong tương lai, bởi, khu vực này vẫn còn khá nhiều quỹ đất để phát triển các dự án lớn.
Đặc biệt, tại khu vực 2 bên bờ sông Hồng, nơi có quỹ đất rất lớn vẫn chưa được khai thác, hiện nay vẫn là đất nông nghiệp sẽ là một lực hút các “ông lớn” trong ngành bất động sản trong thời gian sắp tới.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Hoàng Đình Khiêm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh và Phát triển địa ốc Vietstarland đánh giá: Tại các khu vực ven đô, nằm quanh bán kính trung tâm Hà Nội khoảng 5 -15km, nhất là khu Đông Hà Nội, nơi có quỹ đất lớn đang trở thành tâm điểm của thị trường.
Một trong những nút thắt lớn nhất liên quan tới khu Đông, chính là quy hoạch phân khu sông Hồng đã được tháo gỡ, điều này sẽ là một động lực rất lớn để bất động sản khu vực này phát triển.
“Tương lai của “Lõi nội đô 2” hiện diện ngay tại phía Đông Hà Nội khi ngày càng có nhiều cây cầu lớn nối hai bờ sông Hồng cùng các tuyến vành đai, bao gồm cả tuyến Vành đai 5 theo kế hoạch”, ông Khiêm nói.
Cũng theo ông Khiêm, nhờ có quy hoạch sông Hồng sẽ biến Hà Nội thành điểm đến của các du khách quốc tế và các nhà đầu tư. Bất động sản ở đây sẽ không ảnh hưởng bởi lạm phát và sự phát triển không ổn định của thị trường.
“Trên cương vị là một nhà đầu tư, tôi nhận định bất động sản là một kênh trú ẩn an toàn của dòng tiền. Bất động sản - nhất là những bất động sản có giá trị thực sẽ luôn là tấm khiên vàng giúp bất động sản chống đỡ mọi biến cố của thị trường”, ông Khiêm nói.
Vì sao đến bây giờ khu Đông mới là điểm nhất của bất động sản Hà Nội?
Ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, không phải đến bây giờ chúng ta mới đặt ra câu chuyện khai thác khu vực sông Hồng vào cảnh quan chung của Hà Nội mà đã được khởi nguồn từ năm 1998 với đồ án 5.
Sau một thời gian dài đến năm 2011 phê duyệt lại Quy hoạch thành phố Hà Nội vẫn khẳng định phải khai thác giá trị cảnh quan sông Hồng thông qua việc phát triển khu vực hai bên sông.
Và cho đến nay, Hà Nội vẫn kiên trì thực hiện theo định hướng Quy hoạch 1259/QĐ-TTg, “Về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.
Đánh giá về tiềm năng phát triển, ông Chiến cho biết, khu vực phía bắc và phía đông đang có xung lực phát triển rất mạnh. Với khu vực phía bắc, tầm nhìn của các nhà quy hoạch cho thấy phía bắc thủ đô là sân bay quốc tế và sẽ tiếp tục mở rộng trong tương lai. Đây chính là cực hút lớn cho khu vực này và tốc độ đô thị hóa nhanh so với các khu vực khác.
Cảng biển nước sâu của Hà Nội nằm ở khu vực phía đông. Không phải ngẫu nhiên các hành lang lớn như đường 5 cũ, đường 18… đều nằm ở phía đông. Do đó, khu vực phía Đông sẽ là cực đô thị hóa nhanh chóng so với khu vực phía Nam và phía Tây.
Ông Chiến nhận định cho đến hiện tại, phía Bắc và phía Đông, khu vực Đông Bắc sẽ là những vùng phát triển rất nhanh trong thời gian tới.
Với quy hoạch sông Hồng, từ những năm 2016-2017 khi Hàn Quốc cùng thành phố Hà Nội được nhà nước cho phép đã tính khai thác cảnh quan và tạo thành phố hai bên sông. Tuy nhiên để thực hiện được điều này, theo ông Chiến, công tác giải phóng mặt bằng và hạ tầng phải đi trước và đưa an toàn thoát lũ lên hàng đầu.
“Quy hoạch phân khu của sông Hồng là một trong những bước tiến lớn của Hà Nội và phải tổ chức triển khai ngay. Nhưng hiện nay mới dừng ở mức quy hoạch. Nếu không triển khai nhanh, quỹ đất ven sông, nguồn lực để nuôi đô thị sẽ bị triệt tiêu. Cụ thể, hiện nay bãi Tứ Liên đã thành khu đô thị tự phát”, ông Chiến nói.
Đồng thời, ông Chiến kiến nghị “để quản lý, trên cơ sở phân khu, các hành lang cấm, hạn chế xây dựng bắt buộc lập hồ sơ và cắm mốc ngoài thực địa và giao cho chính quyền địa phương quản lý từng khu vực. Dù còn ít nhưng phải giữ được”.
Mặc dù tổ chức di dân cuốn chiếu, nhưng hiện tại để thực hiện công tác này đang rất khó khăn. Do đó, ông Chiến cho rằng cần xác định lại quỹ đất hiện còn để quản lý và giữ lại để tránh thất thoát. Trên Quy hoạch phân khu được duyệt, cần xác định, hình thành các dự án và phân ra 3 loại cụ thể: bắt buộc đấu thầu; xã hội hóa; nhà nước và nhân dân cùng làm.
Nhấn mạnh phía bắc, phía Đông vẫn còn dư địa phát triển, nhưng ông Chiến nhấn mạnh cần phải bắt tay vào thực hiện ngay quy hoạch để kiến tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tìm đến trong thời gian tới.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm