Thị trường hàng hóa
Trong tháng 10 năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt, EVN đã đảm bảo cung cấp điện an toàn và chủ động ứng phó với cơn bão số 5 (SONCA), bão số 6 (NESAT), mưa lũ, sạt lở đất tại một số địa phương khu vực Trung bộ.
Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 10/2022 đạt 21,9 tỷ kWh. Lũy kế 10 tháng đạt 225,98 tỷ kWh, tăng 6,1% so với cùng kỳ, trong đó huy động từ thuỷ điện đạt 82,42 tỷ kWh, chiếm 36,5% (Do nước về khu vực miền Trung và miền Nam tốt nên sản lượng thủy điện huy động cao hơn kế hoạch); Nhiệt điện than đạt 86,56 tỷ kWh, chiếm 38,3%; Tua bin khí đạt 23,87 tỷ kWh, chiếm 10,6%; Năng lượng tái tạo đạt 29,87 tỷ kWh, chiếm 13,2% (trong đó điện mặt trời đạt 22,65 tỷ kWh, điện gió đạt 6,91 tỷ kWh); Điện nhập khẩu đạt 2,68 tỷ kWh, chiếm 1,2%.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, điện sản xuất của EVN và các Tổng Công ty Phát điện đạt 103,89 tỷ kWh, chiếm 45,97% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống. Đáng chú ý, do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện (như than, dầu, khí) tăng đột biến từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao dẫn tới nhiều khó khăn về tài chính.
Đối với công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVN đã thực hiện nhiều cải cách trong việc cung cấp các dịch vụ điện nhằm gia tăng tiện ích và sự minh bạch. Trong năm 2022, EVN đã triển khai kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm đơn giản hóa các thủ tục dịch vụ điện, cắt giảm giấy tờ cho người dân khi thực hiện các dịch vụ liên quan đến hợp đồng mua bán điện sinh hoạt, kết nối truyền trực tiếp hóa đơn điện tử với Tổng cục Thuế, triển khai kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) để cung cấp dịch vụ điện trên nền tảng công dân số của các tỉnh/thành phố. Đến hết tháng 10 năm 2022, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 92,32%; tỷ lệ tiền điện thanh toán không bằng tiền mặt toàn EVN đạt 97,57%.
Về đầu tư xây dựng, trong 10 tháng đầu năm 2022, EVN và các đơn vị đã khởi công 92 công trình và hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 82 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500kV (bao gồm: 6 công trình 500 kV, 15 công trình 220 kV và 61 công trình 110 kV). Trong đó, đã đóng điện máy 2 trạm biến áp 500kV Việt Trì; đóng điện vận hành tạm đường dây 220 kV Kiên Bình - Phú Quốc, trạm biến áp 110 kV Nam Phú Quốc, máy 2 trạm biến áp 220 kV Lưu Xá; đóng điện máy biến áp T2 trạm 110 kV Nguyên Giáp, nhánh rẽ và ngăn lộ 110kV tại trạm biến áp 110 kV Vân Trung, đường dây và trạm biến áp 110kV Hòa Mạc, máy biến áp T2 trạm biến áp 110 kV Khe Chàm.
Bên cạnh đó, các đơn vị trong toàn EVN đã hoàn thành 88,4% kế hoạch thực hiện công tác chuyển đổi số trong 2 năm 2021-2022, trong đó có một số lĩnh vực đã hoàn thành với tỷ lệ cao như quản trị nội bộ (99,3%), kinh doanh và dịch vụ khách hàng (98,45%), đầu tư xây dựng (96,6%). Đến cuối năm 2022, dự kiến cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm.
Trong tháng 10/2022, EVN cũng đã tổ chức thành công Hội thi Thợ giỏi cấp Tập đoàn năm 2022, góp phần nâng cao kiến thức chuyên môn kỹ thuật và trình độ thực hành nghề nghiệp, xây dựng tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động cho đội ngũ lao động trực tiếp tại các đơn vị trong EVN. Có 122 thợ giỏi đạt thành tích cao trong Hội thi đã vinh dự được Chủ tịch nước chúc mừng và biểu dương. Trong tháng 10, EVN đã vinh dự nhận giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc năm 2022 tại Lễ trao giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2022”. Đây là lần thứ 4 liên tiếp trong 5 năm Giải thưởng được tổ chức, EVN được vinh danh là Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc.
Đại diện EVN cho biết, trong tháng 11, dự kiến sản lượng tiêu thụ điện bình quân toàn hệ thống ở mức 704 triệu kWh/ngày (tăng khoảng 2% so với cùng kỳ). Do đó, toàn đơn vị sẽ tiếp tục đảm bảo sản xuất, cung ứng điện an toàn, liên tục phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt người dân, đặc biệt là đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
Huy động tối đa các nhà máy thủy điện đang phải xả nước (hoặc có nguy cơ xả nước) theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và BCĐ các địa phương, đồng thời cập nhật dự báo thủy văn để có kế hoạch điều tiết phù hợp; nhiệt điện than, tuabin khí huy động theo nhu cầu hệ thống và bài toán tối ưu thủy - nhiệt điện; khai thác cao các nhiệt điện than khu vực phía Bắc để tích dần nước các hồ thủy điện; dự phòng nhiệt điện dầu.
Về công tác đầu tư xây dựng, EVN tiếp tục xử lý vướng mắc trong công tác GPMB, tập trung thi công các dự án nguồn điện trọng điểm. Về lưới điện: Tập trung nhân lực, vật tư thiết bị đảm bảo tiến độ đóng điện cuối năm 2022 các dự án quan trọng: Trạm biến áp 500 kV Vân Phong và đường dây 220 kV đấu nối; đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân; trạm biến áp 500kV Long Thành và các đường dây 500-220 kV đấu nối; nâng công suất trạm biến áp 500 kV Sông Mây; các đường dây 220 kV đấu nối Bắc Quang, Bắc Giang - Lạng Sơn, Ninh Phước - Thuận Nam, các trạm biến áp 220 kV Yên Mỹ, Tam Phước...
Trong tháng 11/2022, các đơn vị thuộc EVN tiếp tục chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, tăng cường ứng trực 24/24h; chủ động ứng phó với thiên tai mùa mưa bão, đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, các công trình điện và đảm bảo an toàn hồ đập, các nhà máy thuỷ điện, vùng hạ du hồ chứa… Đồng thời, để giảm bớt những khó khăn trong vận hành hệ thống điện, Tập đoàn khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm…
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm