Thị trường hàng hóa
Theo Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2023 của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp quý IV/2023 tăng trưởng tích cực hơn quý III/2023, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 6,86% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 3,02% so với năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 ước tăng 3,02% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%, đóng góp 0,93 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,79%, đóng góp 0,14 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,18%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 3,17%, làm giảm 0,10 điểm phần trăm.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2023 tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,8% so với năm 2022 (năm trước tăng 7,1%).
Về tình hình sản xuất công nghiệp của các địa phương, báo cáo nêu rõ, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 so với năm trước tăng ở 50 địa phương và giảm ở 13 địa phương trên cả nước.
Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao là Quảng Ninh tăng 30,3%; Bắc Giang tăng 20,8%; Phú Thọ tăng 18,5%; Nam Định tăng 14,8%; Kiên Giang tăng 14,2%; Hà Nam tăng 13,9%; Hải Phòng tăng 13,4%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao là Khánh Hòa tăng 138,5%; Trà Vinh tăng 40,8%; Ninh Thuận tăng 15,1%; Quảng Ninh tăng 12,9%; Phú Thọ tăng 9,3%.
So với cùng kỳ năm trước, năm 2023, trong các sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm đường kính tiếp tục có tháng thứ 8 tăng trưởng cao nhất với mức tăng 30,9%, gấp 1,7 lần sản phẩm đứng thứ hai là phân hỗn hợp NPK (tăng 18,6%), chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm chế biến có sử dụng đường những tháng cuối năm tăng cao khi có nhiều dịp lễ, hội và nhất là dịp Giáng sinh và Tết Nguyên đán.
Ngược lại, mức giảm lớn nhất vẫn thuộc về hai sản phẩm là xe máy và ô tô khi giảm lần lượt 12,6% và 12,3%. Do tình hình kinh tế nhiều biến động, người dân thắt chặt chi tiêu nên sức tiêu thụ các sản phẩm này vẫn giảm mạnh so với năm trước.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm