Thị trường hàng hóa
Theo ước tính, năm 2022, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt con số trên 55 tỷ USD. Hiện Việt Nam đứng thứ 2 ở Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông sản. Nông sản Việt Nam đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nền nông nghiệp Việt Nam đang góp phần kìm chế lạm phát trong nước trong những tháng đầu năm 2022 là nhờ Việt Nam tự chủ được lương thực và là nước xuất khẩu lương thực lớn trên thế giới.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong năm 2020, mức độ cơ giới hóa trong ngành nông nghiệp Việt Nam đang tăng lên ở các khâu trước và sau thu hoạch.
Cụ thể, tỷ lệ cơ giới hóa ở khâu làm đất đạt 94%; gieo cấy 42%, chăm sóc gieo trồng 77% và thu hoạch lúa 65%. So với năm 2011, số lượng máy kéo trên cả nước năm 2019 tăng khoảng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79% và máy sấy nông sản tăng 29%. Công suất sẵn có của trang trại đạt khoảng 2,4 HP/ha canh tác.
Tuy nhiên một nghịch lý là các sản phẩm máy nông nghiệp của Việt Nam mới chỉ chiếm được 30% thị phần trong nước, 70% còn lại là các sản phẩm nhập ngoại đến từ các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, trong đó chủ yếu là các sản phẩm Trung Quốc do có giá thành rẻ hơn so với sản phẩm sản xuất trong nước.
Ông Nguyễn Văn Thành, Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Hàng năm, chỉ tính riêng sản phẩm máy kéo được nhập khẩu vào nước ta đã lên đến hơn 2 nghìn tỷ đồng, tập chung chủ yếu vào máy kéo công suất trên 22 HP chiếm khoảng trên 90%, do nhu cầu sử dụng dòng máy kéo công suất vừa và lớn ngày một gia tăng trong khi việc cung ứng của các thương hiệu trong nước còn rất hạn chế”.
Một số thương hiệu máy kéo nước ngoài chiếm thị phần lớn ở Việt Nam phải kể đến như: Yamar, Kubota, Iseki, John Deere,... Các thương hiệu máy kéo trong nước khá hạn chế so với các thương hiệu đến từ nước ngoài, trong nước chủ yếu chỉ có VEAM (máy kéo dưới 30HP) ngoài ra gần đây còn có THACO đã sản xuất thành công máy kéo công suất đến 50HP, Công ty TNHH MTV Động cơ và máy nông nghiệp miền Nam cũng đang phát triển động cơ diesel từ 36-38 HP.
Trong khi gần đây các máy kéo cỡ nhỏ của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) cũng bị cạnh tranh mạnh bởi các thương hiệu nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo thống kê năm 2019, một số sản phẩm của VEAM trong đó có máy kéo sản lượng giảm từ 20 đến 50% và trong 6 tháng đầu năm 2022 các sản phẩm máy nông nghiệp của VEAM tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2021 như: động cơ giảm 33%, máy kéo giảm 66%, máy xay xát giảm 25%, bơm nước giảm 42%, máy cắt lúa giảm 59%.
Đánh giá thực tế cho thấy, cơ khí dành cho nông nghiệp ở Việt Nam đang ở trong tình trạng èo uột, khi một loạt nhà máy chuyên về cơ khí nông nghiệp trước đây sau khi chuyển đổi cơ chế thì gần như không còn đầu tư vào mảng này nữa. Hiện trong nước có khá ít doanh nghiệp đầu tư, đẩy mạnh công nghệ ứng dụng vào sản xuất máy nông nghiệp (máy kéo, máy cày…), chỉ còn lại vài cái tên đáng kể như VEAM, THACO, VINFAST…
Mức độ cơ giới hóa của Việt Nam so với các nước trên thế giới cũng có khoảng cách khá xa. Nếu như mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp Việt Nam chỉ vào khoảng 2,4 HP/ha canh tác (đối với các trang trại) thì vẫn thấp hơn nhiều so với các nước như Thái Lan 4 HP/ha; Trung Quốc 8 HP/ha; Hàn Quốc 10 HP/ha.
“Sức cạnh tranh máy nông nghiệp Việt Nam còn khá thấp vì có giá thành cao hơn sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là sản phẩm của Trung Quốc. Hơn nữa, các doanh nghiệp sản xuất máy nông nghiệp trong nước còn gặp khó khăn khi cạnh tranh với hàng trốn thuế, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái…”, ông Thành cho biết.
Lý giải về giá cao, ông Lê Việt Hùng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Động cơ và máy nông nghiệp Miền Nam cho biết: Sản phẩm của chúng tôi có lợi thế về chất lượng và giao hàng, nhưng lại khó cạnh tranh đối đầu với hàng nhập khẩu phân khúc giá rẻ và hàng nhập khẩu đã qua sử dụng của Trung Quốc. Giá bán ra của chúng tôi cao hơn so với loại sản phẩm cùng loại của Trung Quốc trên thị trường, mà nguyên do một phần là do chính sách thuế hiện nay của Nhà nước.
Theo đó, đối với các sản phẩm máy nông nghiệp sản xuất trong nước thì chính sách thuế VAT là một bất lợi khi từ năm 2015 các sản phẩm này thuộc danh mục không chịu thuế VAT.
Ông Nguyễn Khắc Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị VEAM cho rằng: “Khi sản phẩm bán ra không chịu thuế VAT thì toàn bộ chi phí đầu vào với thuế VAT 10% sẽ phải hạch toán vào giá thành sản phẩm. Thực tế tất cả các vật tư chi phí đầu vào đều có 10% VAT, nên khâu cuối cùng không chịu thuế VAT không có ý nghĩa gì cả. Trong khi đó các máy móc nhập khẩu không phải là đối tượng chịu thuế VAT khi nhập khẩu thì ở nước xuất khẩu là đối tượng có thuế VAT bằng 0. Đây là nghịch lý dẫn đến chỉ riêng thuế đã làm chệnh lệch ít nhất 7% giá bán”.
“Chính sách này chỉ hỗ trợ hàng nhập khẩu mà không khuyến khích sản xuất trong nước, cạnh tranh rất không công bằng”, ông Hải chia sẻ.
Trong khi chính sách thuế chưa thay đổi và để tồn tại, các doanh nghiệp cơ khí sản xuất máy nông nghiệp vẫn đang phải tự tìm hướng đi cho mình. Ông Lê Việt Hùng cho rằng: Việc tìm cách giảm chi phí sản xuất là việc làm thường xuyên như tiết kiệm vật tư, tăng năng suất, tính toán cẩn thận khi đầu tư thiết bị. Tuy nhiên, giảm giá bằng cách giảm chất lượng để tương ứng với sản phẩm nhập giá rẻ là không phù hợp, không khả thi, bởi vì nhiều loại sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn là của các dây chuyền sản xuất có sẵn cách đây vài chục năm. Vì vậy, sản phẩm của chúng tôi vẫn duy trì ở một phân khúc cao hơn, giá cao hơn và tiêu thụ với số lượng ít hơn.
“Về mặt sản phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực cạnh tranh, hiện chúng tôi hoàn toàn có thể thiết kế những sản phẩm có tính năng kỹ thuật tối ưu hơn, phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước hơn các sản phẩm Trung Quốc”, ông Hùng khẳng định.
Nói về vấn đề tự chủ công nghệ, sản xuất linh kiện, thiết bị cho sản xuất máy nông nghiệp, ông Phan Phạm Hà - Tổng giám đốc VEAM khẳng định, các doanh nghiệp sản xuất cơ khí lớn như VEAM hoàn toàn có thể tự chủ về công nghệ, vốn, con người…. các sản phẩm máy nông nghiệp của VEAM hiện đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, nhiều công ty con của VEAM đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Ở một góc nhìn khác, Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cơ giới hóa nông nghiệp chưa được đầu tư tương xứng. Trong 10 năm qua (2010-2020), ngành ngân hàng đã giải ngân khoảng 11.000 tỉ đồng và hỗ trợ 1.000 tỉ đồng lãi suất khuyến khích đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp, nhưng chỉ tính riêng về giá trị làm lợi khi đầu tư ở ngành lúa gạo thì số tiền giải ngân, hỗ trợ này chưa tương xứng.
Theo ông Lê Việt Hùng, Nhà nước phải tạo ra sân chơi công bằng, sản phẩm sản xuất trong nước không thể cạnh tranh được khi mà thuế nhập khẩu sản phẩm vào bằng 0 dẫn đến các sản phẩm bán ra không phải chịu thuế thì giá đã thấp hơn các sản phẩm cùng loại được sản xuất trong nước, chưa kể đến hàng Trung Quốc được nhập lậu và trốn thuế lọt vào thị trường Việt Nam.
Ông Nguyễn Khắc Hải cho rằng, Nhà nước cần ban hành các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm nhập khẩu để ngăn chặn những hàng kém chất lượng.
Bên cạnh đó, Nhà nước nên sửa đổi thuế VAT đối với máy nông nghiệp, quy định thuế suất VAT = 0%, tức là nhà sản xuất máy nông nghiệp được hoàn thuế VAT đầu vào khi đó doanh nghiệp sản xuất mới hạ được giá thành sản phẩm, như vậy người nông dân sẽ được hưởng lợi, doanh nghiệp sẽ tiêu thụ tốt hơn, điều này sẽ tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng.
“Nhà nước cần có một tiêu chuẩn nhập khẩu giống như hàng rào kỹ thuật để mình chặn những hàng kém chất lượng, sản phẩm của Việt Nam, các sản phẩm máy nông nghiệp phải đề nghị thuế xuất đầu ra 0%, thì đồng nghĩa doanh nghiệp sản xuất giảm giá cho bà con thì mình tiêu thụ tốt hơn đồng thời nó sẽ tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng, như vậy nó sẽ làm cho hệ thống sản xuất phụ trợ phát triển, làm cho mặt bằng sản xuất công nghiệp đi lên, một ngành đi lên kéo theo tất cả các ngành phụ trợ đi lên. Nó chính là đòn bẩy cho sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước ngày càng cao”, ông Hải chia sẻ.
Ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 80-100%; công suất máy trang bị bình quân cả nước đạt 5-6HP/ha vào năm 2030. Tại những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa, mức độ cơ giới hóa được đồng bộ và tiến tới tự động hóa.
Tuy nhiên, để thúc đẩy nền sản xuất cơ khí, yếu tố chính là thị trường. Một sản phẩm nào muốn phát triển phải khuyến khích tiêu dùng. Gánh nặng thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và phí khác, thậm chí thuế, phí chồng lên thuế làm giá bán sản phẩm cao thì không thúc đẩy được thị trường. Đối với sản phẩm xuất khẩu thì các hiệp định thương mại tự do là điều kiện để sản phẩm của Việt Nam có thể đi ra thế giới và cạnh tranh ở quy mô thị trường rộng lớn hơn
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm