Thị trường hàng hóa
Nhóm hàng công nghiệp là một trong 03 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (cùng với nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản), mang lại trị giá lớn và đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu hàng hóa hàng năm của Việt Nam.
Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 vừa được Bộ Công Thương công bố ngày 16/5/2024 vừa qua cho biết, năm 2023, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 301,1 tỷ USD, giảm 5,7% so với năm 2022, chiếm tỷ trọng gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong đó, có 6 mặt hàng thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, bao gồm: điện thoại đạt 52,4 tỷ USD, giảm 9,7% so với năm trước; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 57,3 tỷ USD, tăng 3,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 43,1 tỷ USD, giảm 5,7%; hàng dệt, may đạt 33,3 tỷ USD, giảm 11,4%; giày dép các loại đạt 20,2 tỷ USD, giảm 15,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt khoảng 14,2 tỷ USD, tăng 18,1%.
Xuất khẩu hàng dệt, may nhiều nhất sang 6 thị trường
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt, may của cả nước đạt 33,3 tỷ USD, giảm 11,4% so với năm 2022. Xơ sợi dệt các loại đạt 4,4 tỷ USD, giảm 7,6% so với năm 2022. Xuất khẩu năm 2023 toàn ngành đạt khoảng 40 tỷ USD.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm nhưng nhìn chung mặt hàng dệt may đã có tín hiệu phục hồi vào nửa cuối năm 2023. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do ngành dệt may phải đối diện với nhiều thách thức từ tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, trong đó vấn đề lạm phát ở các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, châu Âu khiến sức mua giảm, đơn hàng sụt giảm, lãi suất tăng cao và chênh lệch tỷ giá,...
Về thị trường, năm 2023, hàng dệt và may mặc của Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất tới 6 thị trường gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc, Canada.
Năm 2023 cũng ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt và may mặc Việt Nam tại thị trường Nga, Ả rập Xê-út, Tây Ban Nha, Australia, Ấn Độ,... so với năm 2022.
"Ngoài ra, doanh nghiệp dệt may cũng thâm nhập được một số thị trường mới tại châu Phi và Trung Đông. Điều này góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may không bị giảm sâu trong bối cảnh sức mua giảm mạnh", Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết.
Tuy nhiên, một số thị trường giảm nhiều, đặc biệt là châu Âu gồm có Anh giảm 16,8%, Phần Lan giảm 21%, Na Uy giảm 36,8%, Pháp giảm 37,2%, Đan Mạch giảm 40,9%. Xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ và Canada giảm trên 16%. Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm nhẹ ở mức 6,8%.
Xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang Anh tăng mạnh
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt khoảng 52,4 tỷ USD giảm 9,7% so với năm 2022. Đây là nhóm hàng đứng thứ 2 về kim ngạch trong số các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam (đứng sau nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện), chiếm 14,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Các thương hiệu điện thoại nguyên chiếc có kim ngạch xuất khẩu cao bao gồm: Samsung, Google, Iphone, Nokia và Xiaomi. Thương hiệu linh kiện điện thoại có kim ngạch xuất khẩu cao gồm Samsung, LG và Sony.
Kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường vẫn ghi nhận mức tăng so với năm 2022 bao gồm: Trung Quốc, khối EU, khối ASEAN, Anh và Nhật Bản. Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt cao nhất, khoảng 16,9 tỷ USD, tăng 3,7% so với năm 2022, chiếm 32% tỷ trọng xuất khẩu.
Xuất khẩu sang khối EU đạt khoảng 6,7 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2022; sang khối ASEAN đạt 2,1 tỷ USD, tăng 5,7%; sang Anh đạt khoảng 1,32 tỷ USD, tăng 15,9%; sang Nhật Bản đạt khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 12,8% so với năm 2022.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện sang nhiều thị trường ghi nhận sụt giảm so với năm 2022, trong đó có: Hoa Kỳ giảm 33,5% (đạt 7,9 tỷ USD), Hàn Quốc giảm 30,5% (đạt khoảng 3,5 tỷ USD), UAE giảm 3,7% (đạt khoảng 2,1 tỷ USD), Hồng Kông (Trung Quốc) giảm 30,7% (đạt khoảng 1,4 tỷ USD).
Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 57,3 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm 2022. Đây là nhóm hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (chiếm 16,2%). Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao là: các loại bộ vi xử lý, bộ nhớ, module các loại, máy tính xách tay, máy tính bảng, màn hình các loại.
Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Hồng Kông (Trung Quốc)…
Một số thị trường xuất khẩu có kim ngạch tăng so với năm 2022 gồm có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt cao nhất với trị giá 17 tỷ USD, tăng khoảng 6,8% so với năm 2022; xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đứng thứ hai đạt 13,1 tỷ USD, tăng 9,8%; sang thị trường Hàn Quốc đạt khoảng 4,8 tỷ USD, tăng 42,6%; sang thị trường Ấn Độ đạt khoảng 1,95 tỷ USD, tăng 88% so với năm 2022.
Các thị trường ghi nhận sụt giảm xuất khẩu so với năm 2022 có Hồng Kông (Trung Quốc), khối EU, khối ASEAN và Nhật Bản, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) đạt khoảng 5,54 tỷ USD, giảm 5,8%; sang EU đạt khoảng 5,5 tỷ USD giảm 13%; sang khối ASEAN đạt khoảng 2,5 tỷ USD, giảm 25,9%.
Thị trường xuất khẩu da giày từ cuối năm 2023 có sự phục hồi
Năm 2023 được đánh giá rất khó khăn trong hoạt động xuất khẩu da giày của Việt Nam so với những năm trước với nhiều tác động tiêu cực như: suy thoái kinh tế thế giới, tồn kho sản phẩm tăng và sức mua giảm mạnh tại các khu vực thị trường tiêu thụ quan trọng; căng thẳng chính trị và xung đột quân sự tại một số khu vực trên thế giới dẫn đến đứt gãy các chuỗi cung ứng và tăng chi phí cước vận tải. Việc giữ chân công nhân lao động trong ngành và duy trì sản xuất trong bối cảnh đơn hàng giảm sút là thách thức lớn trong năm 2023.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 24,0 tỷ USD, giảm 14,2% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu giày dép đạt 20,2 tỷ USD, giảm 15,3%, chiếm 5,7% tổng xuất khẩu của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng túi xách, vali, mũ, ô dù đạt 3,78 tỷ USD, giảm 7,8% so với năm 2022. Mặc dù kim ngạch năm 2023 có giảm nhưng thị trường xuất khẩu của ngành da giày có sự phục hồi những tháng cuối năm.
Thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của mặt hàng giày dép là Hoa Kỳ đạt 7,16 tỷ USD, giảm 25,5% so với năm 2022 (chiếm tỷ trọng 35,4% xuất khẩu mặt hàng giày dép). Thứ hai là khu vực thị trường EU đạt 4,82 tỷ USD, giảm 17,5% và chiếm 23,8% trị giá xuất khẩu mặt hàng giày dép (một số thị trường quan trọng trong EU đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh là Bỉ đạt 1,2 tỷ USD, giảm 26,3%, Hà Lan đạt 1,0 tỷ USD, giảm 5,7%, Đức đạt 943,0 triệu USD, giảm 27,1%).
Một số thị trường xuất khẩu lớn khác là thị trường Trung Quốc đạt 1,87 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2022; Nhật Bản đạt 1,05 tỷ USD, giảm 4,2%; Anh đạt 795,1 triệu USD, tăng 3,9%; Hàn Quốc đạt 626,6 triệu USD, giảm 3,7%; Canada đạt 469,5 triệu USD, giảm 22,4%; Mexico đạt 425,3 triệu USD, tăng 3,3%; UAE đạt 216,3 triệu USD, tăng 7,1% ...
Đối với mặt hàng túi xách, vali, mũ, ô dù, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,53 tỷ USD, giảm 16,7%; tiếp đó là thị trường EU đạt 837,8 triệu USD, giảm 8,4%; thị trường Nhật Bản đạt 368,5 triệu USD, tăng 4,8%; thị trường Canada đạt 173,4 triệu USD, giảm 9,6%; thị trường Hàn Quốc đạt 142,5 triệu USD, tăng 5,3%; thị trường Trung Quốc đạt 153,2 triệu USD, tăng 17,1%,...
ASEAN - Thị trường xuất khẩu lớn nhất của sắt thép Việt Nam
Kim ngạch xuất khẩu thép năm 2023 đạt 11,1 triệu tấn, trị giá 8,35 tỷ USD, tăng 32,6% về lượng và 4,5% về trị giá so với năm 2022. Năm 2023, giá thép xuất khẩu không biến động quá nhiều so với năm 2022, với biên độ dao động thấp. Cụ thể, giá thép xuất khẩu trung bình của Việt Nam ở mức khoảng 700 USD/tấn.
Các thị trường xuất khẩu chính của sắt thép Việt Nam đứng đầu là thị trường ASEAN đạt 3,5 triệu tấn, trị giá 2,4 tỷ USD, giảm 1,1% về lượng và giảm 17,1% về trị giá so với năm trước (xuất khẩu thép sang khu vực ASEAN chiếm tỷ trọng 28,62% xuất khẩu toàn ngành).
Thị trường EU đứng thứ hai, đạt 2,55 triệu tấn, trị giá 1,89 tỷ USD, tăng 86,2% về lượng và 29,0% về giá trị. Thị trường Hoa Kỳ đạt 1,08 triệu tấn, trị giá 851,9 triệu USD, tăng 58,8% về lượng và 1,2% về trị giá so với năm trước.
Đặc biệt, xuất khẩu sang Ấn Độ tăng trưởng ấn tượng với 967,6 nghìn tấn, trị giá đạt 715,2 triệu USD, tăng 416,6% về lượng và 319,3% về trị giá so với năm trước. Xuất khẩu sắt thép sang thị trường Anh đạt 212,6 nghìn tấn, trị giá đạt 181,6 triệu USD, tăng 70,3% về lượng và 16,6% về trị giá.
Tuy nhiên, xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục giảm và chỉ đạt 5,58 nghìn tấn, tương đương 8,7 triệu USD, giảm 94,4% về lượng và 86,6% về giá trị kim ngạch.
Về chủng loại xuất khẩu, các mặt hàng thép xuất khẩu chính của Việt Nam năm 2023 có thép cuộn, thép mạ kẽm, thép thanh, thép tấm và thép mạ màu,...
Trong đó, thép cuộn có lượng xuất khẩu lớn nhất, đạt 4,2 triệu tấn, trị giá 2,6 tỷ USD, chiếm 37,9% tổng lượng xuất khẩu thép của Việt Nam, tăng 92,3% về lượng và tăng 57,4% về kim ngạch so với năm 2022. Xuất khẩu thép mạ kẽm đạt 1,76 triệu tấn, trị giá đạt 1,45 tỷ USD, tăng 25,1% về lượng nhưng giảm 4,8% về trị giá.
Sản phẩm nhựa: 4 thị trường lớn nhất chiếm 76% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng
Đối với sản phẩm nhựa, năm 2023, xuất khẩu sản phẩm nhựa đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,7% so với năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm nhựa của khối doanh nghiệp FDI đạt 3,4 tỷ USD, giảm 10,0% so với năm 2022 và chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của cả nước.
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, ASEAN, EU là 4 thị trường lớn, chiếm 76% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu sản phẩm nhựa lớn nhất của Việt Nam đạt 2,16 tỷ USD, giảm 1,5% so với năm 2022, chiếm 41,8% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa; Nhật Bản đứng thứ hai đạt 686,9 triệu USD, giảm 9,1% so với năm 2022, chiếm tỷ trọng 13,3%; tiếp theo là các thị trường ASEAN, EU...
Đối với nguyên liệu nhựa, năm 2023, xuất khẩu nguyên liệu nhựa đạt 1,93 triệu tấn, trị giá 2,17 tỷ USD, tăng 17,7% về lượng nhưng giảm 6,1% về trị giá so với năm 2022. Xuất khẩu nguyên liệu nhựa của khối doanh nghiệp FDI đạt 1,4 tỷ USD, giảm 19,8% và chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu nhựa của cả nước.
Về thị trường xuất khẩu, 5 nước gồm ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, EU chiếm gần 55% tổng kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu nhựa. Trong đó, xuất khẩu sang ASEAN đạt 493,5 triệu USD, giảm 23,2% so với năm 2022 (Indonesia là thị trường lớn nhất trong ASEAN đạt 285,3 triệu USD); đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc đạt 301,8 triệu USD, giảm 22%, tiếp theo là các thị trường Ấn Độ, Nhật Bản,…
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác: Xuất khẩu sang một số thị trường nhỏ tăng mạnh
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác của cả nước đạt gần 43,1 tỷ USD, giảm 5,7% so với năm 2022, chiếm tỷ trọng 12,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Trong đó, trị giá xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác của khối doanh nghiệp FDI đạt gần 39,5 tỷ USD, giảm 7,2%, chiếm tỷ trọng 91,5% tổng xuất khẩu máy móc của cả nước.
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Anh là những thị trường lớn xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác của Việt Nam trong năm 2023.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023 với kim ngạch đạt gần 18,2 tỷ USD, giảm 9,8% so với năm 2022, chiếm 42,2% tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác của cả nước.
Xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác sang thị trường EU xếp thứ hai, đạt 5,54 tỷ USD, giảm 1,5% so với năm 2022. Trong đó, Hà Lan và Đức là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất. Tiếp đến là các thị trường: ASEAN chiếm tỷ trọng 7,1%; Trung Quốc chiếm 7,0%; Hàn Quốc chiếm 6,4%; Nhật Bản chiếm 6,4%; Anh chiếm 2,4%,...
Đáng chú ý, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác sang một số thị trường nhỏ trong năm 2023 tăng mạnh so với năm 2022 như: Phần Lan tăng 124,0%; Mozambique tăng 119,1%; Ả-rập Xê-út tăng 103,0%; Séc tăng 69,5%; Thổ Nhĩ Kỳ tăng 48,5%; Nga tăng 43,9%…
Về chủng loại xuất khẩu, trong năm 2023, xuất khẩu nhóm máy móc, thiết bị điện và điện tử đạt kim ngạch cao nhất với 30,8 tỷ USD, giảm 8,1% so với năm 2022, chiếm tỷ trọng 71,4% tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác của cả nước (thấp hơn mức 73,3% của năm 2022). Trong đó, dẫn đầu là chủng loại thiết bị điện dùng cho điện thoại hữu tuyến (HS 8517) với tổng kim ngạch đạt khoảng 19,0 tỷ USD, giảm 8,3% so với năm 2022, chiếm tỷ trọng 44,1% tổng trị giá xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác của cả nước. Tiếp đến là các chủng loại: Biến thế điện, máy biến đổi điện tĩnh (HS 8504) chiếm tỷ trọng 8,1%; ắc quy điện (HS 8507) chiếm 4,8%; động cơ điện và máy phát điện (HS 8501) chiếm 3,9%...
Một số nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác có trị giá xuất khẩu giảm so với năm 2022 là: Máy móc ngành dệt may giảm 30,3%; máy móc ngành da giày giảm 27,6%; động cơ giảm 26,4%; máy móc ngành giấy, in ấn giảm 21,7%; dụng cụ cầm tay giảm 18,7%; máy móc, thiết bị ngành nhựa, cao su giảm 16,6%; máy móc nông nghiệp giảm 14,0%; máy móc chế biến, sản xuất thực phẩm, đồ uống giảm 11,0%.
Ngược lại, các nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác có trị giá xuất khẩu tăng là: Tua-bin các loại tăng 66,1%; thiết bị đo lường, phân tích tăng 22,9%; máy móc thiết bị ngành xây dựng tăng 12,5%; máy công cụ tăng 3,1%; thiết bị và dụng cụ dùng cho ngành y tăng 3,1%.
Gỗ và sản phẩm gỗ: Các thị trường lớn gặp khó, các thị trường tiềm năng ghi nhận tích cực
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh trong năm 2023, đạt gần 13,5 tỷ USD, giảm 15,9% so với năm 2022 và là năm giảm đầu tiên kể từ năm 2009.
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu chủ lực đối với ngành gỗ của Việt Nam. Sau nhiều năm tăng trưởng mạnh, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2023 sang Hoa Kỳ chỉ đạt trên 7,3 tỷ USD, giảm 15,6% so với năm 2022 do áp lực của lạm phát gia tăng, khiến nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ suy giảm.
Bên cạnh Hoa Kỳ, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang nhiều thị trường khác cũng giảm mạnh so với năm 2022: Trung Quốc giảm 20,6%; Nhật Bản giảm 11,6%; Hàn Quốc giảm 23,4%; Canada giảm 13,1%; Anh giảm 18,7%,...
Tuy nhiên, doanh nghiệp ngành gỗ có sự chuyển dịch trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, phản ánh sự thích nghi với bối cảnh khó khăn ở các thị trường lớn khi tăng trưởng xuất khẩu ghi nhận ở nhiều quốc gia tiềm năng tuy trị giá chưa đáng kể, cụ thể: Ấn Độ đạt 122 triệu USD nhưng tăng 287,7% so với năm 2022, Campuchia tăng 50%, Mexico tăng 16,3%...
Về chủng loại xuất khẩu, trong năm 2023, đồ nội thất bằng gỗ gỗ tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng trị giá xuất khẩu của ngành hàng với 60,3%, tương đương 8,1 tỷ USD, giảm 18,5% so với năm 2022. Dăm gỗ đứng thứ hai, chiếm tỷ trọng 16,3% tương đương 2,2 tỷ USD, giảm 18,1%. Tiếp theo là gỗ, ván và ván sàn chiếm tỷ trọng 13,4%, giảm 4%.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm