Thị trường hàng hóa
Kết thúc quý 1/2024, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu đạt 5.291 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023, và lợi nhuận trước thuế đạt 188 tỷ đồng, so với mức lỗ 49 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh nhu cầu trên thị trường nội địa chưa hoàn toàn hồi phục, động lực tăng trưởng chính của Thép Nam Kim đang đến từ kênh xuất khẩu.
Sản lượng tiêu thụ từ kênh xuất khẩu trong quý 1/2024 của công ty đạt hơn 172.700 tấn, tăng tới 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này tương đương với 68% tổng sản lượng tiêu thụ trong quý của Thép Nam Kim. Qua đó, đẩy sản lượng tiêu thụ của công ty dần hồi phục về vùng đỉnh của giai đoạn 2021 - 2022.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Thép Nam Kim, sản lượng tiêu thụ trong quý 2/2024 có thể tăng 10% so với quý 1/2024. Trong đó, các đơn hàng xuất khẩu được bảo đảm, mặc dù giá có thể thấp hơn quý 1/2024 nhưng sản lượng bán hàng kỳ vọng ở mức cao.
Nhiều tổ chức tài chính kỳ vọng hoạt động xuất khẩu của Thép Nam Kim sẽ tiếp tục ở mức tốt trong thời gian tới. Đặc biệt, khu vực Bắc Mỹ và châu Âu, vốn là các thị trường trọng điểm của Thép Nam Kim, đang chuẩn bị bước vào chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ kể từ nửa cuối năm nay, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ từ ngành bất động sản và xây dựng.
Trong đó, ngân hàng trung ương của Canada, Liên minh châu Âu, Thuỵ Sĩ và Thuỵ Điển đã giảm lãi suất trong tuần vừa qua.
Bên cạnh đó, giá thép tại Việt Nam vẫn đang thấp hơn đáng kể so với giá thép tại các thị trường lớn, tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cũng như kích thích các đối tác gia tăng nhập, tích trữ hàng.
Dựa trên các yếu tố này, hãng Chứng khoán DSC hiện nhận định sản lượng xuất khẩu năm nay của Thép Nam Kim có thể tăng tới 25% so với năm 2023, đạt 640.000 tấn, tiến sát tới mức cao kỉ lục của năm 2021.
Đối với thị trường trong nước, thị trường bất động sản trên cả nước đã có những tín hiệu tích cực về mặt thanh khoản và nguồn cung, đặc biệt đợt phục hồi lần này dự báo có thể diễn ra mạnh mẽ hơn ở khu vực phía Nam - thị trường chính của Thép Nam Kim, khi nhiều dự án đang được tái triển khai và lên kế hoạch mở bán trở lại từ cuối quý 3/2024.
Xem thêm: "Sức mua quay trở lại, ngành thép “sáng cửa” phục hồi trong quý 2/2024" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Tuy nhiên, Chứng khoán DSC đánh giá, dữ liệu lịch sử cho thấy sản lượng tiêu thụ tôn mạ của Thép Nam Kim trên thị trường nội địa không biến động quá mạnh theo thị trường bất động sản. Do đó, sự hồi phục của thị trường bất động sản sẽ không mang đến tăng trưởng quá lớn cho Thép Nam Kim. Dự kiến sản lượng tiêu thụ nội địa của công ty trong năm nay tăng khoảng 6% so với năm 2023, Chứng khoán DSC ước tính.
Trong trung hạn, động lực tăng trưởng của Thép Nam Kim sẽ đến từ dự án Nhà máy Nam Kim Phú Mỹ. Dự án này đã được triển khai từ tháng 4/2024 và dự kiến đi vào sản xuất thương mại từ quý 1/2026.
Dự án này có công suất thiết kế là 800.000 tấn/năm, khi đi vào vận hành 100% sẽ giúp nâng tổng công suất của Thép Nam Kim thêm 67% so với hiện tại, đạt 2 triệu tấn. Các sản phẩm chính là sản phẩm tôn mạ chất lượng cao, dùng cho các lĩnh vực công nghiệp.
Ban lãnh đạo Thép Nam Kim kỳ vọng dự án này sẽ giúp công ty giảm bớt sự phụ thuộc vào tính chu kỳ của thị trường xây dựng - bất động sản.
Dựa trên các điều kiện thị trường hiện tại, Chứng khoán DSC dự phóng doanh thu năm nay của Thép Nam Kim có thể đạt 20.210 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2023, và lợi nhuận sau thuế tăng 242%, đạt 485 tỷ đồng.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm