Thị trường hàng hóa
Gần đây, tình hình xuất khẩu gạo trên thế giới liên tục biến chuyển. Điển hình là việc Nga chính thức rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất tạm dừng xuất khẩu gạo. Thêm vào đó, hiện tượng El Nino, tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán cũng có những diễn biến ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lúa gạo.
Theo ông Nguyễn Việt Phong - Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT), bối cảnh này là cơ hội rất lớn để Việt Nam đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo, khai thác thị trường truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng. Đồng thời là cơ hội để đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam.
“Tuy nhiên, việc tận dụng thời cơ để gạo Việt Nam vươn lên trong xuất khẩu cần phải bảo đảm cân đối an ninh lương thực quốc gia. Thời điểm này, Việt Nam đang đứng trước thời cơ vàng để xuất khẩu gạo tăng được cả sản lượng lẫn giá xuất khẩu”, ông Phong chia sẻ.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 5,8 triệu tấn, thu về hơn 3,1 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, là mặt hàng ghi nhận tăng trưởng đứng thứ 2 về sản lượng trong 8 tháng đầu năm. Giá trung bình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 8 tháng qua tăng 11,8% so với cùng kỳ, đạt 544 USD/tấn.
Sản xuất lúa 9 tháng đầu năm 2023 đạt khá do điều kiện thời tiết thuận lợi, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống lúa; nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác ở các địa phương. Sản lượng lúa 9 tháng ước đạt 32,1 triệu tấn, chiếm khoảng 74,7% tổng sản lượng cả năm, tăng 1,3% so cùng kỳ năm trước. Theo đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường xuất khẩu gạo năm 2023.
Từ nay đến cuối năm, Tổng cục Thống kê ước tính, cả năm 2023, sản lượng lúa đạt được từ 43 đến 43,4 triệu tấn, tăng khoảng 650 -700 nghìn tấn so 2022, vượt 170 nghìn tấn so với kế hoạch của ngành nông nghiệp nông thôn năm 2023.
Cũng theo tính toán của Tổng cục Thống kê, từ nay đến cuối năm nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng lúa sẽ bảo đảm kế hoạch, đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Tổng sản lượng thóc sau khi đã trừ đi sản lượng làm giống cho năm sau, cho chăn nuôi trực tiếp, hao hụt… đạt khoảng 24,7 triệu tấn gạo. Trong số đó, sản lượng dành cho tiêu dùng trong nước khoảng 5,4 triệu tấn, dùng để ăn gần 8,3 triệu tấn. Một phần bị hao hụt và dành cho chăn nuôi. Như vậy sẽ còn khoảng 10,1 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu và dự trữ.
Với ước tính trên của Tổng cục Thống kê, khả năng sẽ đạt được 7,5 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm 2023, đồng thời vẫn bảo đảm an ninh lương thực trong nước.
Dù vậy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ lưu ý, gạo là mặt hàng lương thực tiêu dùng phổ biến nên cần thận trọng trong việc thu mua theo thời điểm, tránh làm tăng giá. Sản lượng gạo dùng cho xuất khẩu chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên cũng cần có kế hoạch phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm