Thị trường hàng hóa
Nhóm nghiên cứu Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc Khối phân tích và Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô & Chiến lược đầu tư, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa đưa ra dự báo rủi ro của thị trường chứng khoán (TTCK) nửa cuối năm.
Theo đó, hai yếu tố rủi ro được dự báo của giai đoạn cuối năm cụ thể như sau: Áp lực trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn tương đối lớn và rủi ro suy thoái của kinh tế thế giới.
Áp lực đáo hạn tập trung nhiều vào giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9 và tháng 12/2023 mà trong quý 3 này gần như trọn vẹn thời kỳ cao điểm. Riêng trong quý 2, theo con số thống kê có hơn 40.000 tỷ đồng đã được các doanh nghiệp bất động sản xin đảo nợ và lùi thời hạn thanh toán.
"Thông thường, họ sẽ đàm phán với bên chủ nợ và lùi trong khoảng thời gian từ 1 - 12 tháng, có một số khoản đã có thể thương lượng để lùi đến 2 năm. Điều này hàm ý rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời trong ngắn hạn khi các doanh nghiệp đang căng về thanh khoản. Đặc biệt là thị trường bất động sản bị đóng băng và có dấu hiệu giảm sút về số căn hộ bán ra, dẫn đến nguồn thu của doanh nghiệp bị hạn chế.
Chúng tôi nhận thấy câu chuyện này sẽ còn tiếp diễn trong những tháng tới, khi các thông tin xuất hiện trên thị trường sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư dù đây không phải là những yếu tố mới. Nhất là những doanh nghiệp lớn, có lượng trái phiếu đáo hạn lớn mà nhà đầu tư có thể quan sát", nhóm nghiên cứu nêu.
Về rủi ro suy thoái của kinh tế thế giới nói chung và đặc biệt là nền kinh tế Mỹ nói riêng, bởi vì kinh tế Mỹ vẫn là đầu tàu của thế giới tác động trực tiếp đến các dòng vốn đầu tư không chỉ gián tiếp qua TTCK, mà cả các dòng vốn trực tiếp FDI vào Việt Nam.
Trong đó, mối quan hệ qua lại giữa chỉ số lạm phát - lãi suất Mỹ thể hiện qua Fed Funds Rate, tỷ lệ thất nghiệp và chỉ số S&P 500.
Đến thời điểm khi có một vài doanh nghiệp lớn gặp khó khăn, xảy ra đổ vỡ sẽ tác động và tạo ra hiệu ứng tâm lý, đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái, thì thị trường sẽ giảm sâu.
Mỗi khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên thì thị trường sẽ có một nhịp sụt giảm mạnh. Đây là diễn biến chúng ta cần theo dõi thận trọng và giai đoạn 6 tháng cuối năm, thị trường vẫn có nguy cơ xảy ra những điểm đảo chiều.
Trong tầm nhìn ngắn hạn, khoảng 3 - 6 tháng, nhóm nghiên cứu vẫn giữ quan điểm là hướng sự quan tâm đến nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán. Với kỳ vọng mặt bằng lãi suất giảm sẽ thúc đẩy thanh khoản, hoạt động vay margin và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành chứng khoán có thể tăng trưởng.
Nếu xét theo định giá P/B thì thời điểm hiện tại, định giá các cổ phiếu của ngành chứng khoán chưa phải cao so với lịch sử. Vì vậy, các mã cổ phiếu nhà đầu tư có thể quan tâm là các mã đầu ngành, có sự an toàn tương đối và tránh các mã có câu chuyện liên quan đến vấn đề trái phiếu doanh nghiệp.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm