Thị trường hàng hóa
Theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng năm 2023, sản xuất công nghiệp đã phục hồi 98,8% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục duy trì đà tăng trưởng liên tục từ đầu năm, tháng sau cao hơn tháng trước. Chỉ tính riêng trong tháng 6, IIP ước tính tăng 2,8% so với cùng kỳ.
“Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 ước tính tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước (quý I giảm 0,75%; quý II tăng 1,56%), là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011 - 2023 và đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế”- báo cáo Bộ Công Thương nêu.
Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giá trị tăng thêm có sự cải thiện, đạt mức tăng 0,37% (quý I giảm 0,49%; quý II tăng 1,18%) và đóng góp 0,1 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng năm 2023 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như: Sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 13,2%; khai thác quặng kim loại tăng 11,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 7,2%; sản xuất thuốc lá tăng 6,7%; sản xuất đồ uống tăng 5,7%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,6%...
Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, đơn hàng giảm, sức cầu yếu nhưng một số sản phẩm công nghiệp 6 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Đường kính tăng 31,2%; xăng dầu tăng 13,4%; phân hỗn hợp NPK tăng 11,9%; ti vi tăng 10,8%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 9,2%.
Bộ Công Thương cũng nhận định, trong 6 tháng năm 2023, có 48 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Điển hình như: Bắc Giang tăng 16,2%; Phú Thọ tăng 15,3%; Kiên Giang tăng 13,6%; Nam Định tăng 13,4%… Một số địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao là Hậu Giang tăng 264,4%; Thái Bình tăng 70,4%; Trà Vinh tăng 29,4%; Nam Định tăng 11,9%.
Bên cạnh đó, một số trung tâm công nghiệp lớn của cả nước đã khôi phục đà tăng trưởng công nghiệp như: Thái Nguyên tăng 4,1%; Quảng Ninh tăng 7,4%; Bắc Giang tăng 15,7%, Hải Phòng tăng 12,3%, TP Hồ Chí Minh tăng 1,9%, Bình Dương tăng 2,6%; Đồng Nai tăng 3%.
Bộ Công Thương cũng nêu bật những khó khăn của các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm. Giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước.
Tập trung giải pháp cho 6 tháng cuối năm
Tuy có những chuyển biến tích cực, nhưng nhìn vào bức tranh của ngành công nghiệp vẫn thấy rõ mức độ hồi phục còn chậm. Nguyên nhân chính là cầu thế giới sụt giảm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may, đồ gỗ... Trên thực tế, một số doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công do số lượng đơn đặt hàng giảm.
Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được triển khai, bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Chẳng hạn như, chính sách bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang ở thuê; hỗ trợ tiền cho người lao động quay lại trở lại thị trường lao động làm việc…), chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí (như giảm thuế VAT cho hầu hết mặt hàng từ 10% xuống 8%; giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước và gia hạn thời giạn nộp các loại thuế)... sẽ là những điều kiện thuận lợi tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đối với các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng, Bộ Công Thương cũng tập trung rà soát tồn đọng ở các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng, tháo gỡ khó khăn để sớm đi vào vận hành dự án. Đồng thời, bám sát tiến độ, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, than, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới.
Về cung ứng điện, thực hiện đồng bộ các giải pháp để cung ứng điện cho nền kinh tế, bao gồm: điều tiết việc cung cấp than, sản xuất, nhập khẩu than; khẩn trương hoàn tất đàm phán với chủ đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời đáp ứng đủ điều kiện theo quy định để có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia; đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển nguồn điện…
Quý II/2023, sản xuất công nghiệp đang dần hồi phục, để đạt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng khoảng 8 - 9%, ngành Công Thương, các địa phương và doanh nghiệp đang tập trung các giải pháp sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời thúc đẩy sản xuất công nghiệp cũng như tăng trưởng công nghiệp bền vững. |
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm