Thị trường hàng hóa
Đến thăm làng phật thủ Đắc Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội những ngày này chúng ta thấy được không khí tất bật tại các nhà vườn đang hoàn thiện công đoạn cuối cùng để cung cấp ra thị trường. Vườn nào vườn nấy lúc lỉu quả phật thủ và ngập tràn hương thơm dịu ngọt, dấu hiệu Tết đến xuân về.
Được biết, cây phật thủ được đưa về trồng tại xã Đắc Sở khoảng hơn 10 năm trước. Trồng phật thủ đạt năng suất và hiệu quả kinh tế hơn hẳn so với việc trồng lúa, ngô, nên người dân trong xã dần chuyển sang trồng phật thủ. Từ hiệu quả canh tác phật thủ Đắc Sở, người dân không ngừng mở rộng diện tích canh tác phật thủ sang các xã lân cận như xã Yên Sở, xã Phúc Thọ… theo các hình thức thuê đất canh tác, cung cấp giống cây trồng, cung cấp kỹ thuật.
Phật thủ Đắc Sở đã giúp nhiều hộ nông dân đổi đời, nhiều hộ đã có doanh thu vài chục triệu đến hàng trăm triệu, có hộ lên đến bạc tỷ mỗi năm. Mũi nhọn phát triển kinh tế từ nông nghiệp của địa phương này đang đem tới những mùa xuân yên bình, sung túc và đổi thay cho những người nông dân ngay trên quê hương mình.
Những năm qua, phật thủ Đắc Sở trở nên nổi tiếng và là nơi cung cấp trái phật thủ số lượng lớn cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên phật thủ cũng nổi tiếng là loại cây “khó chiều”, ra quả quanh năm nên các chủ vườn phải dành hầu hết thời gian để chăm bẵm, ươm trái.
Là người có thâm niên trong nghề trồng phật thủ Đắc Sở, chị Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ: Phật thủ là cây khó tính nên để chăm sóc cây cần đến sự tỷ mỉ, nhiều lúc phải vuốt ve cưng chiều như con mọn. Phật thủ đơm hoa kết trái quanh năm nên phải tính toán kỹ và theo dõi sát sao thời tiết. Để có quả đẹp và phục vụ cho nhu cầu người dân vào dịp Tết, người trồng phải “ép” đúng thời điểm, theo kỹ thuật thì quả mới sai và đẹp. Nhiều quả được chăm sóc đặc biệt kỹ lưỡng, bởi với các chủ vườn, chúng không chỉ có giá trị lớn về kinh tế mà còn được đánh giá cao về hình thức, thẩm mỹ.
Từ đầu tháng 11(Âm lịch) hai vợ chồng anh Phan Huy Thắng đã phải chuyển hẳn ra vườn để ở để cho tiện chăm sóc phật thủ. Anh Thắng cho rằng trồng cây đã đến ngày hái quả, nên thời điểm này vợ chồng tôi phải theo dõi sát sao vườn phật thủ. Phật thủ là cây chịu rét rất kém, nên những ngày này chúng tôi phải theo dõi thời tiết liên tục, nếu rét quá chúng tôi phải “mặc áo”, nếu không quả không lớn được. Thời tiết mùa này đang hanh khô nên mỗi ngày chúng tôi cũng phải cung cấp đủ lượng nước không để cây phật thủ bị “khát”.
Đây cũng là thời điểm vợ chồng anh Thắng bận bịu tiếp khách, thương lái đến tham quan và đặt mua phật thủ. Anh Thắng bật mí, năm nay cây phật thủ cho nhiều trái, mỗi cây khoảng 50-70 quả, nhưng quả to và đẹp không nhiều. Những năm gần đây, khách hàng chuyển qua mua những quả phật thủ có màu xanh, nhằm đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng, gia đình anh Thắng và nhiều chủ vườn cũng đầu tư phát triển và chăm sóc các cây phật Đắc Sở có quả xanh nhiều hơn.
Theo anh Thắng một quả phật thủ Đắc Sở được cho là đẹp phải đảm bảo: To, tròn trái, các ngón quả phật thủ phải đều, nhiều lớp ngón dài và đường kính phải rộng mới đẹp…Cho nên cũng tùy từng loại mà giá cả phật thủ có giá dao động từ 40 - 50 nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng, thậm chí có những quả đẹp độc, lạ giá lên đến hàng triệu đồng một quả vẫn được các thương lái và khách hàng săn đón, đặt mua từ sớm.
Với hình dáng tượng trưng cho bàn tay phật nên từ lâu, quả phật thủ được xem là loại quả mang lại phước lành và tài lộc. Cũng chính bởi vậy mà nhiều gia đình chọn loại quả này để trưng vào các dịp lễ Tết với mong muốn một năm mới nhiều an lành, vui vẻ, no ấm, hạnh phúc.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm