Thị trường hàng hóa
Trong khi hầu hết các phân khúc bất động sản chật vật cầm cự, vượt qua năm 2023 đầy khó khăn thì bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam thì hiện nay phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong năm 2023.
Trong năm qua đã có thêm 7 khu công nghiệp đi vào hoạt động và 13 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng, nâng tổng số khu công nghiệp đã thành lập trên cả nước lên 412, với tổng diện tích 217,5 nghìn héc ta.
Trong đấy, 293 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn héc ta, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63 nghìn héc ta. 119 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn héc ta, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 24,7 nghìn héc ta.
Theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, các khu công nghiệp thu hút trên 10.400 dự án đầu tư trong nước và trên 11.200 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng hơn 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD.
Vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước trong những năm gần đây. Điều này đã thúc đẩy hạ tầng, kinh tế của địa phương, tạo tiền đề phát triển nhiều ngành công nghiệp phụ trợ, phát triển bất động sản nhà ở, nhà ở cho thuê.
Còn theo số liệu nghiên cứu của Savills Việt Nam (thuộc Tập đoàn tư vấn đầu tư bất động sản quốc tế Savills), trong năm 2023, các khu công nghiệp trên cả nước có tỷ lệ lấp đầy hơn 80%, trong đó các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt tỷ lệ 83% và phía Nam đạt 91%.
Về giá cho thuê, bộ phận nghiên cứu và tư vấn CBRE Việt Nam thông tin, trong giai đoạn 2024-2025, giá thuê đất công nghiệp dự kiến tăng 6-10%/năm cả ở phía Bắc và phía Nam. Giá thuê kho xưởng xây dựng sẵn dự báo tăng nhẹ 2-4% mỗi năm trong 2 năm tới.
Theo quy hoạch của các tỉnh, thành phố, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 558 khu công nghiệp với tổng diện tích đất sử dụng 205,8 nghìn héc ta và 1.500 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 50 nghìn héc ta. Dự báo đến năm 2050, diện tích đất khu, cụm công nghiệp trên cả nước sẽ ở mức từ 300 nghìn đến 350 nghìn héc ta, chưa kể diện tích của gần 50 khu kinh tế. Các quy hoạch được thông qua cũng sẽ giải quyết một số vướng mắc liên quan tới thủ tục pháp lý cho việc hình thành khu công nghiệp.
BĐS công nghiệp là phân khúc cung cấp không gian và cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp công nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, bất động sản công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động sản xuất và phân phối hàng hóa. Với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phân khúc này sẽ tiếp tục có nhiều lực đẩy để phát triển mạnh mẽ trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Theo Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính dự báo, phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục khởi sắc. Điều này có được bởi Việt Nam tiếp tục tạo ra nhiều động lực giúp thị trường bất động sản công nghiệp phát triển.
Cụ thể, dòng vốn FDI vẫn tích cực với lợi thế từ chính sách ưu đãi thuế. Hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại với cam kết đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thuộc tốp đầu trong khu vực. Dịch vụ phụ trợ khu công nghiệp đang dần được cải thiện.
Ngoài ra, nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, bắt đầu triển khai các giai đoạn tiếp theo. Nguồn cung bất động sản khu công nghiệp đang chứng kiến sự tăng trưởng ở cả miền Bắc và miền Nam. Nhu cầu bất động sản công nghiệp vẫn còn rất lớn, đặc biệt là nhu cầu về nhà kho nhiều tầng đa dụng và nhà xưởng xây dựng sẵn.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm