Thị trường hàng hóa
Tổng Cục Hải quan Việt Nam vừa cho biết, tính đến ngày 18/1, xuất khẩu rau quả ước đạt gần 459 triệu USD, tăng 12,3% so với tháng liền kề trước đó (tháng 12/2023) và tăng 89,2% so với cùng kỳ năm 2023 (tháng 1/2023 chỉ đạt 242 triệu USD).
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, nửa tháng đầu tiên của năm 2024, xuất khẩu rau quả đã có những khởi đầu thuận lợi. Con số gần nửa tỷ USD của kim ngạch rau quả tháng 1 năm 2024 mở đầu cho một năm nhiều triển vọng tăng trưởng xuất khẩu.
“Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang đàm phán mở cửa mặt hàng sầu riêng đông lạnh, dừa tươi. Hai mặt hàng này có thể mang về thêm 1 tỷ USD. Với những sự lạc quan đó, khả năng cả năm kim ngạch rau quả có thể đạt tới 6,5 tỷ USD”, ông Nguyên kỳ vọng.
Kim ngạch rau quả tháng nửa đầu tiên năm 2024 ước đạt gần nửa tỷ USD, tăng hơn 89,2% so với cùng kỳ 2023.
Cũng theo ông Nguyên, sản lượng sầu riêng năm nay sẽ tăng do trồng gối vụ, những vườn năm ngoái chưa ra trái thì năm nay sẽ cho ra trái ít nhất 10-15%. Hiện tại, nguồn cung chuối nội địa của Trung Quốc hạn chế do ảnh hưởng của thời tiết lạnh. Vì vậy, đây là thời cơ để Việt Nam xuất khẩu chuối sang thị trường 1,4 tỷ dân đầy tiềm năng này. Ngoài ra, thanh long cũng là một trong những mặt hàng đang được ưa thích của người Trung Quốc để phục vụ Tết Nguyên đán.
Liên quan đến căng thẳng tại biển Đỏ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong tháng đầu năm 2024, ông Nguyên cho rằng, bên cạnh khó khăn thì đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt tăng thị phần tại các thị trường khác như Trung Quốc để bù đắp sự thiếu hụt của các thị trường Âu, Mỹ.
Ông Cao Bá Đăng Khoa - Phó Tổng Hiệp hội Dừa Việt Nam cũng cho rằng, năm 2024 sẽ mở ra cơ hội triển vọng cho nông sản Việt Nam nói chung và trái dừa nói riêng. Đáng chú ý, từ nửa quý 4/2023 đến nay, các doanh nghiệp chế biến sâu ngành dừa đã thay đổi cách bán hàng, không “co mình trong kén” như trước đây.
Hiện có hơn 10 doanh nghiệp top đầu chế biến sâu về ngành dừa Việt Nam đã chuyển sang hình thức kinh doanh theo chủ trương của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là tìm kiếm, ký kết các đơn hàng cả năm với những tập đoàn lớn của Nhật, Trung Quốc.
Các doanh nghiệp này lên kế hoạch sản xuất cho năm 2024 và yên tâm sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, giữ giá trọn năm. Một số doanh nghiệp đã đàm phán xong nhiều đơn hàng lớn cho năm 2024.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu rau quả như kỳ vọng, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần tăng cường chất lượng, giữ vững hoặc tăng sản lượng những mặt hàng thế mạnh đang xuất khẩu tốt. Đồng thời, tìm cách tăng sản lượng xuất khẩu bằng cách tăng mã số vùng trồng, tăng mã số cơ sở đóng gói, đa dạng mặt hàng xuất khẩu.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm