Thị trường hàng hóa
Với chính sách tài chính tiền tệ linh hoạt, phối hợp nhằm đáp ứng các mục tiêu kiềm chế lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp , phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Bình luận về động thái mới nhất của Ngân hàng Nhà nước trong nới biên độ tỷ giá, trao đổi với phóng viên báo chí, TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế, nhìn nhận chính sách này cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Ông đánh giá như thế nào về việc Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá từ mức +/- 3% lên mức +/- 5% đến các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu?
Việc điều chỉnh biên độ tỷ giá của VND với USD mà Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra là một động thái mới, và có thể nói là rất mới bởi trong nhiều năm qua Ngân hàng Nhà nước đã cố định ở mức +/- 3%.
Với mức +/- 5% và thậm chí có thể còn cao hơn cho thấy tư duy trong điều hành tỷ giá đã có sự điều chỉnh theo hướng linh hoạt, bám sát và đáp ứng được động thái giá cả thị trường nhiều hơn, và đặc biệt là động thái đối với đồng ngoại tệ mạnh như đồng USD.
Trong bối cảnh chúng ta gắn kết với các đồng tiền mạnh trên thế giới, trong đó, gắn rất mạnh vào đồng USD thì việc đồng USD mạnh lên đương nhiên đòi hỏi đồng VND phải điều chỉnh. Với mức tăng cực kỳ nhanh, biên độ lớn của đồng USD, với mức tăng +/- 5% vẫn chưa thực sự đáp ứng theo tốc độ tăng của đồng USD.
Tuy nhiên, với mức +/- 5% này cho thấy chúng ta vẫn có sự độc lập nhất định trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Chúng ta vừa được nhu cầu và yêu cầu của thị trường, áp lực cạnh tranh vừa đáp ứng được yêu cầu về kiểm soát lạm phát ở trong nước.
Về tác động của việc nới biên độ tỷ giá, tôi cho rằng, việc này sẽ giúp cho nền kinh tế trở lên cạnh tranh hơn và giảm thiểu áp lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc phải bán ngoại tệ để can thiệp vào tỉ giá. Giảm thiểu chênh lệch giá USD trên thị trường chợ đen và giá chính thức.
Nhập khẩu có xu hướng rẻ hơn. Bởi nếu chúng ta cố định biên độ +/- 3%, chắc chắn đồng tiền của Việt Nam trở lên quá nóng, quá mạnh. Khi đó, nhập khẩu trở lên đắt đỏ và tạo sức ép tăng giá hàng nhập khẩu.
Mặt khác, việc điều chỉnh mức +/- 5% khiến cho hoạt động xuất khẩu trở lên cạnh tranh hơn khi chúng ta đã có sự điều chỉnh mềm để hàng Việt Nam trở lên rẻ hơn nhất định so với mức biên độ cũ +/- 3%.
Tóm lại, việc điều chỉnh này, chúng tôi hi vọng sẽ có sự cải thiện hơn trong áp lực về điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Với chính sách tài chính tiền tệ linh hoạt, phối hợp nhằm đáp ứng các mục tiêu kiềm chế lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu, phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Cách đây 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nâng lãi suất và khẳng định giữ ổn định tỉ giá, việc nới biên độ tỉ giá này liệu có khiến lãi suất trong thời gian tới tăng hay không?
Trong bối cảnh nhằm chống lạm phát, tăng giá trị đồng tiền thì việc tăng lãi suất là một trong những công cụ chính mà hiện nay ngân hàng nhiều nước đang dùng, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Việt Nam cũng đã có bài học rất tốt về vấn đề này. Việc tăng lãi suất như vậy giúp giảm thiểu các nhu cầu tiêu dùng không cần thiết, tăng tiết kiệm, trong đó có việc tăng thu hút các dòng vốn vào ngân hàng, tạo điều kiện cho ngân hàng có thêm thanh khoản cho vay cũng như tăng room theo cho phép của Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, giúp bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền và tránh tình trạng rút tiền chạy vòng giữa các ngân hàng nhằm đuổi theo các mức lãi suất.
Việc điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ tỷ giá có lý do của nó và 2 sự điều chỉnh này có sự liên hệ nhất định với nhau, theo đó, cùng tạo ra mục tiêu chung đó là giúp kiểm soát lạm phát, đặc biệt là lạm phát tiền tệ.
Việc điều chỉnh tỷ giá không làm thay đổi, hay làm mất hiệu lực và quan điểm của Ngân hành Nhà nước trong việc giữ ổn định tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh nâng tỷ giá trung tâm, mà chỉ nâng biên độ. Mà biên độ là các ngân hàng thương mại họ tự quyết định. Việc này tạo dư địa rộng hơn cho các ngân hàng thương mại điều chỉnh việc mua bán ngoại tệ theo biên độ cho phép, từ đó giảm bớt áp lực ngoại tệ của mình trên thị trường.
Đồng thời, Ngân hành Nhà nước cũng giảm thiểu nhu cầu phải bán ngoại hối để can thiệp trên thị trường
Do đó, việc nới biên độ tỷ giá +/- 5% là bình thường, hơn nữa, trước đây chúng ta cũng đã có những khoảng thời gian thực hiện biên độ +/- 5%.
Dự báo, từ nay đến cuối năm, xu hướng tăng lãi suất có thể còn tiếp tục trong bối cảnh lạm phát vẫn ở áp lực lớn, các ngân hàng đều có nhu cầu gia tăng huy động vốn, giảm thiểu tình trạng rút tiền chạy vòng vòng giữa các ngân hàng trong hệ thống gửi tiền.
Do đó, việc tăng mạnh hay giảm mạnh lãi suất là khó nhưng việc giữ và tăng nhẹ lãi suất huy động ở những khoản thời hạn gửi có thể có sự điều chỉnh. Còn nền lãi suất cơ bản chung sẽ không có sự biến động quá lớn trong ngắn hạn tới đây.
Còn với lãi suất cho vay thì sao cho ông?
Lãi suất cho vay hiện nay ngân hàng nhà nước không kiểm soát và phụ thuộc vào các ngân hàng, doanh nghiệp cũng như các hợp đồng thỏa thuận. Nhìn chung, những ngân hàng nào không có sự cải thiện trong công tác dịch vụ thì họ buộc phải nâng lãi suất cho vay để bù lại chi phí họ đã bỏ ra trong huy động vốn thông qua việc tăng lãi suất huy động.
Còn đối với ngân hàng nào đa dạng hóa các dịch vụ, có nguồn thu tốt và từ đó duy trì được dòng tiền ra với mức lãi suất ổn định, giữ được thị phần, giữ được khách hàng mà họ đã, đang và sẽ có.
Hai ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá từ mức +/- 3% lên mức +/- 5%, tỷ giá trung tâm được nâng lên ở mức 23.663 VND/USD, tăng thêm 26 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 22.480 - 24.846 VND/USD. |
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm