Thị trường hàng hóa
Được coi là “vua trái cây”, sự bùng nổ nhu cầu của thị trường tỷ dân đối với sầu riêng khiến Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Trung Quốc hiện chiếm đến 91% nhu cầu sầu riêng toàn cầu.
Theo Hải quan Trung Quốc, lượng nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc năm 2023 ước đạt 1,4 triệu tấn với tổng kim ngạch 6,7 tỷ USD.
Truyền thông Trung Quốc cho hay, lý do khiến người dân nước này yêu thích sầu riêng là bởi hương vị và giá trị dinh dưỡng của “vua trái cây”. Đặc biệt, do tình trạng khan hiếm, cung không đủ cầu, nên sầu riêng được coi là “món quà quý”, thường được tầng lớp trung lưu của đất nước tỷ dân săn đón. Giá sầu riêng không vỏ tại thị trường Trung Quốc hiện đạt 70 đến 200 NDT (tương đương 240.000 - 700.000 đồng/trái).
Tờ South China Morning Post dẫn nguồn một dự báo cho thấy, nhu cầu sầu riêng từ Trung Quốc “có thể tăng gấp 15 lần trong tương lai”.
Thái Lan từng là nhà cung cấp sầu riêng chính cho thị trường Trung Quốc trong nhiều năm. Tuy nhiên, từ tháng 7/2022, sầu riêng tươi của Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây được đánh giá là động lực khiến thị phần sầu riêng Việt Nam tại Trung Quốc tăng mạnh và cạnh tranh trực tiếp với sầu riêng Thái Lan.
Số liệu thống kê từ Hải quan Trung Quốc cho thấy, năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu hơn 493.000 tấn sầu riêng từ Việt Nam với giá trị hơn 2,1 tỉ USD. Điều này khiến thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc tính theo kim ngạch năm 2023 đạt mức 34,6%, tăng mạnh so với mức 4,9% của năm 2022.
Đà tăng trưởng tiếp tục được nối tiếp trong năm 2024. Theo đó, trong 2 tháng đầu năm 2024, lượng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc đạt 32.750 tấn, trị giá 161 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp Hội rau quả Việt Nam cho biết, sầu riêng nước ta có lợi thế cho thu hoạch quanh năm còn Thái Lan chỉ xuất khẩu từ tháng 5 đến tháng 8. Bên cạnh đó, do ưu thế về địa lý nên sầu riêng Việt Nam vận chuyển sang Trung Quốc với thời gian nhanh hơn. Đây là những yếu tố giúp sầu riêng Việt Nam có những bước tiến lớn tại thị trường này.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận xét sầu riêng Việt Nam vẫn còn phải cạnh tranh với Thái Lan.
Theo Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế, Bộ Thương mại Thái Lan, Việt Nam hiện nay chỉ được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, trong khi Thái Lan đã được phép xuất khẩu sầu riêng tươi, đông lạnh và sầu riêng đã qua chế biến.
Do đó, theo các chuyên gia, để mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam tập trung nâng cao chất lượng và các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến để gia tăng giá trị.
Trong những năm qua, các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc đã dùng sầu riêng để chế biến các sản phẩm như bánh ngọt, trà sữa, cà phê và thậm chí cả lẩu. Các doanh nghiệp này chia sẻ, do giá thành đắt đỏ, lượng người Trung Quốc mua sầu riêng tươi nguyên trái là không lớn. Do đó, sầu riêng đã qua chế biến có giá cả phải chăng hơn và ngày càng phổ biến đối với người tiêu dùng trẻ tuổi.
Nhu cầu mới này của thị trường tỷ dân cũng mở ra nhiều cơ hội đối với hoạt động xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam. Gần đây, sản phẩm sầu riêng cấp đông Việt Nam được “bật đèn xanh” cho phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Sầu riêng cấp đông có thể bảo quản lâu trong môi trường lạnh, sau khi rã đông vẫn giữ được màu sắc, vị tươi. Việc phát triển sản phẩm này được đánh giá sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn về hoạt động sản xuất, dễ dàng bảo quản, vận chuyển cũng như tránh rơi vào cảnh ùn ứ hàng khi rộ vụ thu hoạch.
Nhiều chuyên gia kỳ vọng, nếu nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc được ký kết sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp khi đầu tư vào đa dạng sản phẩm đối với sầu riêng, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực cấp đông và chế biến các sản phẩm từ sầu riêng. Ông Đặng Phúc Nguyên dự đoán, nếu sầu riêng xuất được đông lạnh, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm 2024 có thể đạt 3,5 tỷ USD.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm