Thị trường hàng hóa
Xuất khẩu thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn
Những tháng đầu năm nay, ngành thủy sản Việt Nam đã ghi nhận sự bứt phá tăng kỷ lục lần đầu tiên trong 20 năm qua. Nhờ đó, qua 8 tháng, xuất khẩu thủy sản đã đạt 6,7 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó có những mặt hàng đặc biệt như cá tra - hàng hóa chủ lực của Việt Nam đang chi phối 95% nguồn cá thịt trắng toàn cầu, tăng 80% trong 7 tháng vừa qua. Con số này khích lệ rất nhiều đối với ngành thủy sản. Tuy nhiên, sau thời gian tăng nóng tới trên 60% thì những tháng gần đây xuất khẩu thủy sản đã có dấu hiệu hạ nhiệt và tăng trưởng chậm lại.
Ngành nông nghiệp đặt kỳ vọng xuất khẩu thủy sản năm 2022 có sự bứt phá và lập kỷ lục mới với kim ngạch 10 tỷ USD, tăng khoảng 12-15% so với năm 2021. Theo các doanh nghiệp, để đến với mục tiêu trên ngành hàng này sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là những biến động từ thị trường.
Mặc dù xuất khẩu cá tra trong tháng 7 vẫn tăng 47% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đây lại là mức xuất khẩu thấp nhất trong 7 tháng của năm 2022. Xu hướng tăng trưởng chậm lại thể hiện ở cả 2 thị trường nhập khẩu cá tra lớn của Việt Nam là Trung Quốc và Mỹ.
Tháng 6 cũng là tháng đầu tiên trong năm nay, ngành hàng tôm ghi nhận tăng trưởng âm, sau khi liên tục tăng trưởng 2 con số trong 5 tháng trước đó. Tuy nhiên, lũy kế 7 tháng, xuất khẩu tôm vẫn đạt 2,7 tỷ USD, tăng trên 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm giảm do tôm nguyên liệu không như kỳ vọng và sức tiêu thụ trên các thị trường nhập khẩu tôm lớn không khả quan do tác động của lạm phát. Dự báo tình hình này còn kéo dài nên xuất khẩu tôm sẽ khó có đạt con số ấn tượng vào cuối năm như vừa qua.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) nhận định, có một số nguyên nhân chính khiến xuất khẩu cuối năm 2022 gặp khó. Trước hết là các doanh nghiệp thủy sản đang phải gánh nhiều khoản chi phí tăng, tác động kéo theo chi phí đầu vào cho sản xuất, giá thành sản phẩm tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản và các ngành hàng. Theo đó, từ năm 2020 đến nay, với nhiều lý do từ "tắc cảng" do đại dịch COVID-19 và nay là giá nhiên liệu xăng dầu tăng, việc đặt container vốn đã khó khăn thì giá nước ở hầu hết các chặng tăng 4-5 lần.
Mặt khác, giá nhiên liệu tăng trong nửa đầu năm 2022 khiến 40-50% số tàu khai thác hải sản của Việt Nam phải "nằm bờ" khiến nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến giảm từ 70-80% so với trước. Nguồn nguyên liệu trong nước bị giảm mạnh các doanh nghiệp buộc phải tăng nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng không đủ cho chế biến.
Một khó khăn khác mà các doanh nghiệp thủy sản đang gặp phải là các thủ tục chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác còn nhiều bất cập. Các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều vướng mắc khi sử dụng nguồn nguyên liệu khai thác có chứng nhận. Tính tới tháng 6/2022, EU vẫn chưa gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản Việt Nam.
Tình trạng các nước thắt chặt chi tiêu cũng đang khiến thị trường tiêu dùng toàn cầu trở nên ảm đạm. Trước áp lực lạm phát, đồng yên Nhật Bản mất giá, rơi xuống mức thấp nhất trong 24 năm, càng làm cho người dân Nhật phải cân nhắc và thắt chặt chi tiêu. Điều này khiến VASEP nhận định, xuất khẩu sang thị trường này cũng khó có những đột phá đáng kể từ nay đến cuối năm.
Hay thị trường EU, chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, cũng đang tăng trưởng chậm lại. Lạm phát phủ bóng đen lên nền kinh tế khu vực Eurozone, tác động giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân châu Âu. Do vậy, những mặt hàng thủy hải sản giá cao sẽ nằm trong danh sách mà người tiêu dùng phải cân nhắc, tính toán.
Tuy nhiên, cũng có một điểm sáng là xuất khẩu cá tra. Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết, thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn như: Trung Quốc, Mỹ, CPTPP, EU... có giảm, nhưng nhìn chung các thị trường từ nay đến cuối năm vẫn tiếp tục đặt hàng. Dự báo, nguồn nguyên liệu cũng đảm bảo bởi sự liên kết trong sản xuất cá tra khá chủ động chiếm đến 80-90% tổng diện tích nuôi cá tra.
Sản lượng xuất khẩu cá tra đã tăng 83% so với cùng kỳ. Hiện kim ngạch xuất khẩu có giảm, nhưng giá bắt đầu có sự tăng. Giá thu mua nguyên liệu cũng tăng. Nhu cầu thực phẩm sau COVID-19 nhiều, đặc biệt là sản phẩm cá thịt trắng nên cá tra Việt Nam có lợi thế. Các doanh nghiệp cũng dự báo được tình hình nên có sự chuẩn bị nguyên liệu tương đối tốt. Từ nay đến cuối năm vẫn có những tín hiệu tích cực cho xuất khẩu cá tra.
Thực hiện nhiều biện pháp để đạt mục tiêu đề ra
Với những khó khăn, thách thức đặt ra đối với ngành xuất khẩu thủy sản, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Theo đó, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu được miễn kiểm dịch. Sự tháo gỡ gánh nặng về thủ tục nhập khẩu nguyên liệu cho gia công đang được các doanh nghiệp thủy sản kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ các điểm "nghẽn" giúp đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu trong bối cảnh nguồn nguyên liệu trong nước không ổn định và thiếu hụt theo mùa vụ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động và việc ký kết các đơn hàng.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng để tốc độ xuất khẩu không tiếp tục đi xuống và đạt được mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD trong năm 2022, chúng ta phải tiến hành đồng bộ nhiều nhóm giải pháp để tháo gỡ những nút thắt chính cho xuất khẩu thủy sản. Chính phủ cần có chính sách đầu tư hạ tầng nghề cá tại địa phương trọng điểm và nâng cao năng lực thực thi quản lý tàu thuyền, khai thác trên biển.
Trước mắt là cải tiến cơ sở dữ liệu quản lý tàu thuyền khai thác, sửa đổi quy định ghi nhật ký và số hóa quy trình kiểm tra, cấp xác nhận, chứng nhận khai thác. Riêng về công tác khắc phục thẻ vàng IUU, Tổng cục Thủy sản đã chuẩn bị kế hoạch, kịch bản làm việc với đoàn thanh tra EC kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Việt Nam; tiếp tục tham mưu tổ chức kiểm tra tại các địa phương về việc chống khai thác IUU, khắc phục các khuyến nghị của EC.
Ngành thủy sản cũng cần bám sát tình hình sản xuất tại các địa phương, khả năng cung ứng nguyên liệu đầu vào cho chế biến để tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất hiệu quả trong bối cảnh giá thức ăn, giá vật tư sản xuất trong nuôi trồng thủy sản tăng cao như hiện nay để góp phần phát trển hoạt động xuất khẩu thủy sản.
Tuy nhiên, nhận định về lâu dài, hiện nay, các chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản cho sản xuất, xuất khẩu còn thiếu, các thủ tục cho nhập khẩu vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021, Chính phủ cần sớm ban hành quy định và chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm