Thị trường hàng hóa
Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4/2022 của địa phương tiếp tục giảm 19,61% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 4 tháng năm 2023 giảm 18,47%; trong đó, ngành cấp 2 trọng điểm của tỉnh là sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm sâu nhất (tháng 4/2023 giảm 21,02% và 4 tháng giảm 19,65%).
Ông Vũ Minh Giang - Quyền Cục trưởng Cục Thống kê Bắc Ninh - chia sẻ: Trong tháng, các đơn đặt hàng của doanh nghiệp công nghiệp duy trì ở mức thấp, đây là những khó khăn hiện nay đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt với sản phẩm xuất khẩu, chủ yếu là sản phẩm thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của Bắc Ninh như Mỹ, EU, Nhật Bản… đều suy giảm do lạm phát, lãi suất tăng cao, sức tiêu dùng giảm; chỉ số tồn kho khá lớn đối với mặt hàng điện tử và may mặc.
Theo kết quả điều tra, 12/24 ngành cấp 2 có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm như: Sản xuất trang phục (-37,25%); sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (-14,87%); sản xuất thiết bị điện (-41,65%)... Đặc biệt, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm tới 21,02%, là ngành có tác động chính đến chỉ số sản xuất công nghiệp chung toàn ngành giảm.
Tính chung cả 4 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 18,47% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm thấp nhất trong 5 năm qua. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo (-18,59%). Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tới 14/20 ngành cấp 2 có chỉ số giảm, một số ngành có mức giảm nhiều là: In, sao chép bản ghi các loại (-38,68%); sản xuất trang phục (-33,8%); sản xuất thiết bị điện (-29,92%); sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (-25,47%)…
“Một trong những nguyên nhân sụt giảm nhiều do ngành công nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn khi đơn hàng của doanh nghiệp công nghiệp liên tục giảm, chi phí đầu vào không ngừng tăng cao”, ông Vũ Minh Giang nhận định.
Tháng 4/2023, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thị trường vẫn ở mức thấp, tuy nhiên việc các doanh nghiệp công nghiệp đã bước vào chu kỳ sản xuất, có nhiều sản phẩm tăng trở lại so với tháng trước, là cơ sở cho sự kỳ vọng bứt phá ngành công nghiệp của Bắc Ninh thời gian tới.
Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp cũng có phần cải thiện so với tháng 3/2023 (dù còn thấp) khiến số lao động đang làm việc trong doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm ngày 1/4/2023 tăng nhẹ (+0,43%) so với tháng trước.
Đáng nói, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 4/2023 tiếp tục được cải thiện; đặc biệt, tổng vốn đăng ký tăng đột biến, gấp hơn 2,6 lần tháng trước và gấp hơn 5,2 lần cùng kỳ năm trước.
Theo Cục Thống kê Bắc Ninh, yếu tố này đã kéo lũy kế 4 tháng đầu năm 2023 bao gồm số doanh nghiệp thành thành lập mới, tổng số vốn đăng ký, vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp thành lập mới tăng cao. Tuy nhiên, ở một góc độ khác thì số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng, điều này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế này, giải pháp giúp các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vượt qua khó khăn hiện nay được chuyên gia khuyến cáo: Các chính sách hỗ trợ và đầu tư công sẽ là lực đẩy quan trọng; làm bệ đỡ cho việc phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong năm nay và các năm tiếp theo, giúp thúc đẩy ngành xây dựng, hoạt động kinh tế liên quan khác. Cùng với đó là chính sách nới lỏng tiền tệ, giải ngân đầu tư công được kỳ vọng mang lại tác động đa chiều, tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế…
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng lưu ý, hiện nay, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới còn diễn biến phức tạp, giá các loại nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất tiếp tục có xu hướng tăng gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu…
Cơ quan chức năng tiếp tục kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công; cập nhật, điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng theo tháng đảm bảo đúng quy định của Luật xây dựng là cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư của dự án, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công.
Về phía doanh nghiệp cần cố gắng duy trì ổn định sản xuất với các chính sách hỗ trợ của nhà nước nói chung và của địa phương nói riêng; đa dạng hóa thị trường, ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.
Ông Vũ Minh Giang - Quyền Cục trưởng Cục Thống kê Bắc Ninh: Các đơn vị sẽ đẩy mạnh thực hiện chương trình khuyến công địa phương năm 2023 để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị; các ngành cần tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc…
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm